Theo trang điện tử Yomiuri Shimbun, Đại học Y Tokyo đã có nhiều năm thực hiện hành vi đánh tụt số điểm của các thí sinh nữ để giảm bớt số lượng sinh viên nữ học ở trường. Một nguồn tin từ trường tiết lộ, việc này bắt đầu diễn ra từ khoảng năm 2011 nhưng các thí sinh không hề hay biết, nhằm duy trì tỷ lệ thí sinh nữ đỗ vào trường khoảng 30%. Và thực tế cho thấy, trong các kỳ thi tuyển sinh đầu vào tiếp theo, tỷ lệ thí sinh nữ đỗ vào trường thường dao động ở mức này. Trong năm 2010, thí sinh nữ đỗ vào trường cao hơn so với thí sinh nam. Tuy nhiên từ những năm sau xu hướng này đã đảo ngược và tất nhiên không loại trừ kỳ thi tuyển sinh đầu vào của năm nay.

leftcenterrightdel
Một trung tâm chăm sóc trẻ của hãng Nissan ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: CNN.

Đáng chú ý, nguồn tin còn cho biết, nhìn chung các thí sinh nữ thường giỏi hơn nên không thể tránh được việc sẽ có nhiều nữ đỗ vào trường hơn nam nếu tiến hành thi theo cách thông thường.

Các thí sinh phải trải qua hai vòng thi. Đầu tiên, họ phải làm các bài thi cho các môn khoa học, tiếng Anh và toán với tổng điểm là 400. Các thí sinh sau khi vượt qua vòng một sẽ phải viết một bài luận ngắn với số điểm tối đa 100 và thi vấn đáp ở vòng hai. Họ có đỗ vào trường hay không tùy thuộc vào tổng số điểm ở cả hai vòng. Trong các kỳ thi kiểu này, tất cả các thí sinh nữ đều bị hạ điểm theo một hệ số cố định, có những năm bị giảm tới 10%.

Bê bối sửa điểm thí sinh ở Đại học Y Tokyo bị phát hiện sau khi một cuộc điều tra nội bộ được thực hiện nhằm xác minh cáo buộc có tham nhũng trong quá trình thi tuyển vào trường. Cuộc điều tra cũng có liên quan đến cáo buộc cho rằng ban giám hiệu nhà trường đã chấp nhận nâng điểm thi cho con trai của một quan chức cấp cao trong Bộ Giáo dục để đổi lấy một khoản hỗ trợ tài chính.

Bê bối đã gây ra nhiều tranh cãi bởi rất hiếm khi tại Nhật một trường đại học bị phát hiện có hành vi thao túng điểm tùy tiện vì mục đích phân biệt giới tính kiểu này. Nhật báo Yomiuri Shimbun lớn nhất Nhật Bản dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết các giới chức đã ngầm thông qua việc giảm số lượng sinh viên nữ ở Đại học Y Tokyo do lo ngại sau khi tốt nghiệp, họ sẽ không làm việc trong ngành y. Nguồn tin này nói rằng “nhiều nữ sinh viên tốt nghiệp xong sẽ rời bỏ công việc y tế để sinh đẻ và chăm sóc con cái". Một thực tế nữa là các bác sĩ phẫu thuật nữ thường bị từ chối.

Trên mạng xã hội, dư luận Nhật Bản đã bày tỏ sự bất bình đối với vụ việc không thể ngờ lại có thể xảy ra này. Có ý kiến gọi đó là điều “điên rồ, chỉ có thể xảy ra vào những năm 1950”. Nữ Chủ tịch Hiệp hội Y khoa phụ nữ Nhật Bản, bà Yoshika Maeda bày tỏ phẫn nộ trên facebook: “Không thể chấp nhận việc các nữ sinh viên bị tước mất cơ hội giáo dục chỉ vì họ là nữ”. Bà còn nói rằng sẽ không ngạc nhiên nếu các trường đại học khác cũng có hành vi hạ điểm tương tự. Vì các trường tư không có nghĩa vụ phải công bố điểm thi, quá trình tuyển chọn được tiến hành trong một “chiếc hộp đen”, ngoài tầm mắt của công chúng.

Phát ngôn viên Đại học Y Tokyo là Fumio Azuma xác nhận với Reuters rằng cuộc điều tra nội bộ đã bắt đầu và kết quả sẽ được công bố vào đầu tháng này.

Vụ sửa điểm gây chấn động dư luận bị phát hiện trong bối cảnh vấn đề lao động nữ đang được đặt ra ở một xã hội theo truyền thống nam giới có vai trò nổi bật như Nhật Bản. Các con số cho thấy tỷ lệ nữ giới trong lực lượng lao động Nhật Bản rất thấp, nhất là ở những ngành nghề chuyên sâu. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 12,4% nghị sĩ, quan chức cấp cao và nhà quản lý ở Nhật là nữ.

Đặc biệt từ khi Nhật Bản triển khai chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động càng được quan tâm. Trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trì trệ của đất nước, trong khi phải đối mặt với dân số già và tỷ lệ sinh đẻ thấp, Thủ tướng Shinzo Abe năm 2013 đã cam kết gia tăng số lượng lao động nữ. Nhờ nỗ lực hướng tới nền “kinh tế phụ nữ-womenomics” nhằm thúc đẩy phụ nữ đi làm và giữ các chức vụ cao, thực trạng đã có một số cải thiện với việc tỷ lệ phụ nữ làm việc đang tăng dần ở Nhật. Tuy nhiên, tiến độ của chính sách “womenomics” do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng được đánh giá là vẫn còn chậm.  

Phụ nữ Nhật Bản nhìn chung có trình độ học vấn cao. Tuy nhiên, do thời gian làm việc ở nước này thường dài, điều kiện làm việc lại khắt khe nên nhiều người buộc phải bỏ việc sau khi lập gia đình. Thực tế này đã ảnh hưởng tới tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động ở Nhật Bản.

Một số công ty, như hãng ô tô Nissan, đã quy định giờ làm việc linh hoạt, nghỉ phép và thành lập các cơ sở chăm sóc trẻ tại chỗ để thu hút thêm phụ nữ làm việc. Năm 2018, Bộ Lao động Nhật Bản đã kêu gọi các cơ sở y tế tạo điều kiện cho các bác sĩ nữ quay trở lại làm việc sau thời gian họ nghỉ thai sản, giúp họ cân bằng giữa công việc với trách nhiệm gia đình.

HẠNH NGUYÊN