Trong đó có chuyện ông cùng đồng đội tham mưu với thủ trưởng Tổng cục Chính trị, thủ trưởng Bộ Quốc phòng soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, ngày 9-11-2011 quy định về chế độ, chính sách đối với các đối tượng, trong đó có các đối tượng tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và ở biên giới phía Bắc. Thực hiện quyết định này, đã có hơn 1,3 triệu đối tượng trong cả nước được hưởng chế độ trợ cấp một lần với số tiền hơn 5.111 tỷ đồng. Trong đó, riêng cán bộ, chiến sĩ từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến biên giới phía Bắc có hơn 25 vạn đối tượng được giải quyết trợ cấp một lần với số tiền hơn 1.050 tỷ đồng và hơn 300 người được hưởng trợ cấp hằng tháng. Và kế tiếp là Quyết định số 49/2015 QĐ-TTg, ngày 14-10-2015 về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, trong đó có hơn 10,5 vạn người tham gia cuộc chiến đấu trên biên giới phía Bắc được giải quyết chế độ một lần, với số tiền hơn 219 tỷ đồng.

Câu chuyện của ông khiến tôi nhớ lại cách đây mấy năm, khi về quê Hà Nam gặp mặt các anh em đồng ngũ năm 1988. Khi ấy, anh em vừa được nhận chế độ trợ cấp một lần với số tiền hơn 4 triệu đồng/người và kèm theo thẻ bảo hiểm y tế (đến nay vẫn đang được hưởng), nên ai cũng phấn khởi ra mặt. Anh em đều bảo, thực ra số tiền tuy không nhiều, nhưng niềm vui đến là bởi Đảng, Nhà nước luôn nhớ đến mình. Trước đây cứ nghĩ, khi hoàn thành nhiệm vụ, khoác ba lô trở về địa phương, tiếp tục làm bạn với cái cày, cái cuốc, có nghĩa là mình đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc và có kỷ niệm để sau này nhắc lại với con cháu. Mấy ai nghĩ đến việc được đền đáp. Thế nhưng nay có chế độ, chính sách của Nhà nước, thử hỏi không vui sao được. Nhân câu chuyện của Giáo sư Đinh Xuân Dũng, tôi nhớ lại chuyện của đồng đội mình và thấy rằng, quyết định của Đảng, Nhà nước là rất sáng suốt, nhân văn. Tôi cũng hiểu ra rằng, trong tất cả các cuộc chiến, sẽ không ai là người bị lãng quên; cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 40 năm cũng thế. Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang khi phát biểu tại hội thảo đã cho rằng: Cái hố của chiến tranh là không thể san lấp, vì nó sẽ mang đến nhiều hệ lụy, chỉ có điều là phải làm thế nào để cái hố ấy đừng bị khoét rộng ra và khi đi trên cây cầu hữu nghị bắc qua đó, vẫn có thể nhìn thấy những bài học đắt giá của lịch sử và trong tương lai đừng để có cái hố nào tương tự bị đào thêm nữa.

TRẦN VŨ