Đây là phương án phát triển tiếp theo của hệ thống RBS-15 Mk3, trong đó có kế thừa một số thành phần như đầu đạn, hệ thống dẫn đường, phần mềm điều khiển và thiết kế khí động học. Tuy nhiên, tên lửa RBS-15 Mk4 có cự ly bắn xa hơn, khả năng nhận biết mục tiêu chính xác hơn và trọng lượng nhẹ hơn “người tiền nhiệm”. Hiện Saab vẫn chưa chính thức công bố chi tiết về phiên bản này.

Tên lửa RBS-15 có cơ chế phóng rất đa dạng, từ máy bay, tàu chiến đến các xe phóng tự hành mặt đất hay các bệ phóng cố định. Ảnh: Saab.

Tên lửa mang theo một đầu đạn nổ phân mảnh nặng 200kg, thích hợp với mọi loại tàu chiến và còn có thể gắn trên các xe tải hạng nhẹ, đặt trên các bệ phóng mặt đất cố định hay phóng từ máy bay; được thiết kế chiến đấu trước mọi kịch bản chiến tranh từ chống tàu chiến cho đến đổ bộ tấn công trong mọi điều kiện thời tiết nhờ cơ chế dẫn đường chủ động bằng ra-đa được lập trình sẵn kết hợp với GPS và quán tính. Từ phiên bản RBS-15 Mk3, Saab bổ sung cho tên lửa thêm tính năng tấn công mục tiêu mặt đất.

Sức mạnh của tổ hợp RBS-15 còn được tăng thêm nhờ Hệ thống tự động điều khiển bắn MEPS có nhiệm vụ xử lý dữ liệu, lập kế hoạch tiêu diệt hỏa lực, chuẩn bị và phóng tên lửa. Hệ thống này có thể làm việc trong 4 chế độ cơ bản (tác chiến, luyện tập, kiểm tra tên lửa thường xuyên, mô phỏng tình hình chiến thuật) và cho phép tính toán số lượng tên lửa cần thiết bắn loạt, quỹ đạo bay của mỗi tên lửa...

RBS-15 được biên chế trong quân đội Thụy Điển từ năm 1984. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những tổ hợp này bị loại biên hoàn toàn vào năm 2000. Đến năm 2016, Thụy Điển quyết định khôi phục lại dòng tên lửa này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển và đồng thời được coi là giải pháp hiệu quả về tài chính cho quân đội nước này. Hiện tại, RBS-15 vẫn được đánh giá khá cao khi đang được biên chế cho Hải quân Hoàng gia Thụy Điển và một số nước khác. 

PHẠM HUY (theo Defense Aerospace)