Chiếc máy bay vừa thử nghiệm thành công là Alpha Electro G2, có hai chỗ ngồi, cất cánh từ sân bay Oslo, do chính Tổng giám đốc Avinor Dag Falk-Petersen điều khiển. Vị khách duy nhất trên chuyến bay là Bộ trưởng Giao thông vận tải Na Uy Ketil Solvik-Olsen. Nói về mục đích chuyến bay, ông Solvik-Olsen cho biết: “Tuy chuyến bay quanh sân bay Oslo chỉ kéo dài vài phút nhưng nó đã chứng minh rằng việc sử dụng máy bay điện chở khách không phải là viễn cảnh xa vời mà là hiện thực có thể đạt được trong vòng vài năm tới. Chính phủ Na Uy hướng tới một nền giao thông thân thiện với môi trường và đã lên kế hoạch thực hiện tất cả các chuyến bay nội địa bằng điện vào năm 2040”.

leftcenterrightdel
Máy bay điện Alpha Electro G2. Ảnh: Reuters.

Người đứng đầu tổ chức phi chính phủ về môi trường của Na Uy Future in Our Hands, bà Anja Bakken Riise cho biết: “Các chuyến bay không cần thiết đang góp phần làm tổn hại đến khí hậu của thế giới, bởi lượng khí thải carbon dioxide khổng lồ mà chúng thải ra”. Bà hy vọng, với thành công trên, Chính phủ Na Uy sẽ đưa ra các chính sách thuận lợi cho máy bay điện phát triển, tương tự như những chính sách dành cho phát triển ô tô điện ở quốc gia này.

Sở dĩ thị trường Na Uy đứng đầu trong các quốc gia sử dụng phương tiện đi lại bằng điện mặc dù đây là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất Tây Âu là do có nguồn điện dồi dào và tương đối rẻ, 98% điện từ nguồn thủy điện sạch, với dân số chỉ 5 triệu người và các quãng đường di chuyển nội địa chỉ dưới 200km. Điều quan trọng nhất là Chính phủ Na Uy đã thể hiện quyết tâm rất cao khi cho phép công ty Avinor tích cực chuyển sang khai thác các máy bay điện trong vận tải thương mại và thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Đồng thời Chính phủ tuyên bố sẽ ban hành những chính sách thuận lợi hơn cho việc phát triển máy bay điện như đã làm với ô tô điện. Tuy nhiên, máy bay điện cho đến nay có hạn chế lớn về trọng lượng, với pin cồng kềnh và phạm vi bay hạn chế.

HƯƠNG LÊ