Mở rộng thị trường nhờ TMĐT

Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, trong đó có hơn 64 triệu người dùng internet, hơn 130 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 DN đổi mới sáng tạo, nhiều DN thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số... Con số này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ngành nghề kinh doanh trực tuyến, trong đó có việc mở ra phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến.

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2019 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho thấy, trong những năm gần đây, TMĐT nước ta đạt tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2018 ghi nhận là năm phát triển sôi động của kinh doanh trực tuyến với tốc độ phát triển đạt khoảng 30%. Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD năm 2015, đến năm 2018, quy mô thị trường TMĐT ước tính đạt khoảng 8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng năm 2019 và 2020 tiếp tục giữ mức 30%, thì năm 2020, quy mô thị trường bán lẻ TMĐT sẽ lên tới khoảng 13 tỷ USD.

leftcenterrightdel
Hệ thống cảng biển đang từng bước hiện đại sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam (Trong ảnh: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng).

Theo Bộ Công Thương, đối với phương thức XK trực tuyến, DN Việt Nam hiện có hai kênh chính để sử dụng, đó là: Tìm đối tác nước ngoài thông qua các sàn giao dịch TMĐT; cùng với đó, thông qua kênh này bán trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng ở nước ngoài. Trên thực tế, theo đánh giá của nhiều DN, thực hiện giao dịch điện tử sẽ mang lại hiệu quả lớn cho DN xuất nhập khẩu. Cụ thể, DN tiết kiệm thời gian trong việc kết nối tìm kiếm khách hàng; tiết kiệm nhân lực, giảm sai sót, minh bạch về thủ tục và tăng khả năng cạnh tranh. Chia sẻ rõ hơn về điều này, bà Lê Thị Thiện Ngân, người sáng lập thương hiệu Paper Color chuyên sản xuất thiệp nổi 3D cho biết, bán hàng toàn cầu giúp DN tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ trên toàn thế giới, tiết kiệm được chi phí bán hàng và tiếp thị, học hỏi cách thức vận hành DN chuyên nghiệp thông qua những phản hồi từ khách hàng. Ban đầu, đơn vị này chỉ XK sang hai thị trường ngoại. Tuy nhiên, nhờ tận dụng bán hàng qua TMĐT, đến nay, công ty đã XK đến hơn 30 quốc gia trên khắp thế giới và con số này sẽ tiếp tục được nâng lên.

TMĐT là một trong những công cụ tiếp cận đối tác, người tiêu dùng trên toàn cầu. Thế nhưng, theo số liệu từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đến nay mới có khoảng 11% DN Việt Nam tham gia các sàn TMĐT, 35% DN thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến; con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 DN đang hoạt động. Đề cập tới nguyên nhân kênh xuất nhập khẩu trực tuyến chưa thực sự phát triển bùng nổ, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều DN ở Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, kỹ năng ứng dụng TMĐT còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của DN chưa phát triển và nhiều DN bị rào cản về ngôn ngữ. Theo Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng, cản trở lớn nhất với thương mại trực tuyến hiện nay ở Việt Nam là do lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics-giao hàng chặng cuối-hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế.

Liên kết với các “ông lớn” về TMĐT

TMĐT sẽ là xu hướng giao dịch của tương lai. Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, hỗ trợ DN Việt Nam XK qua TMĐT là một trong những mục tiêu trọng tâm của Cục Xúc tiến thương mại. Theo đó, đơn vị này sẽ kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ về TMĐT trên thế giới như Amazon, Alibaba, các công ty kỹ thuật số khác như Google… để các đơn vị này tới Việt Nam, có những hoạt động hỗ trợ cho các DN, đặc  biệt là DN vừa và nhỏ. Điều này nhằm giúp DN có thể ứng dụng tốt nhất những công cụ của thương mại điện tử, công cụ của kinh tế số vào xúc tiến XK của DN trong thời gian tới. Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon-công ty TMĐT đa quốc gia-hợp tác hỗ trợ DN đẩy mạnh XK và phát triển thương hiệu thông qua TMĐT. Việc hợp tác này sẽ giúp DN Việt Nam tiếp cận được hơn 300 triệu khách hàng tại nhiều thị trường của Amazon cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, từ đó mở ra cơ hội XK lớn. Hơn thế nữa, bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT lớn là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó thúc đẩy các kênh bán hàng khác tới thị trường thế giới.

Ý kiến nhiều chuyên gia khẳng định, điều cốt lõi để DN Việt Nam tham gia phát triển mạnh trên TMĐT là uy tín và chất lượng sản phẩm, vì giao dịch TMĐT chủ yếu dựa trên uy tín của DN. Cùng với đó, bản thân DN cần quan tâm đầu tư, nâng cao kỹ năng ứng dụng TMĐT, như kỹ năng tìm kiếm thông tin đối tác trên mạng, xác minh đối tác có uy tín hay không, hoặc các khâu thanh toán, chuyển phát… Từ đó, các DN có hiểu biết cơ bản để tránh các trường hợp lừa đảo khi giao dịch với đối tác nước ngoài… Góp ý về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, khi giao dịch TMĐT, DN cần chọn lựa những sàn có uy tín, có hệ thống kiểm tra về nguồn khách hàng cũng như chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, để tránh những rủi ro khi giao dịch trên môi trường mạng, các DN vẫn phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý có liên quan, nắm chắc quy định của từng sàn giao dịch và đặc biệt là tìm hiểu kỹ đối tác sẽ có giao dịch thương mại với mình vì vừa qua đã có không ít DN, tổ chức, cá nhân bị lừa đảo qua mạng.

VŨ DUNG