Phóng viên (PV): Thưa ông, những nguyên nhân tạo nên mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của quý I-2018?

Ông Nguyễn Bích Lâm: GDP cả nước quý I-2018 đạt 7,38%, đây là mức tăng trưởng ấn tượng nhưng có căn cứ để lý giải. Thứ nhất, tăng trưởng quý I giữ được đà tăng trưởng bền vững của 6 tháng cuối năm 2017 với mức tăng trưởng rất cao. Thứ hai, GDP quý I năm nay không chịu tác động nhiều từ yếu tố mùa vụ, tăng trưởng đã được ghi nhận ở cả ba khu vực kinh tế. Nông nghiệp đã tăng trưởng mạnh mẽ với mức hơn 4%-mức cao nhất sau 13 năm trở lại đây; công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 13,56%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng dương trong nhiều năm, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả nước. Thứ ba là lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 30%, điều này có tác động lan tỏa đến lĩnh vực thương mại-dịch vụ, như: Khách sạn, nhà hàng, rồi cả tài chính, dịch vụ y tế, vận tải… Đặc biệt, GDP quý I tăng trưởng cao là do tính kịp thời và hiệu quả của Chính phủ trong việc ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Bích Lâm.

PV: Theo kịch bản tăng trưởng GDP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra thì đà tăng trưởng giảm dần trong các quý cuối năm 2018. Ông cho biết rõ hơn về dự báo này?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Tổng cục Thống kê trực tiếp xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý. Chúng tôi nhận thấy rằng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay không còn quý sau hơn quý trước nữa. Tăng trưởng quý III, IV sẽ vẫn ở mức cao nhưng chững lại so với đầu năm. Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 6,5-6,7%, còn Chính phủ quyết tâm tăng trưởng GDP đạt từ 6,7% trở lên và mục tiêu này không hề đơn giản. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động trong thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư…

PV: Cụ thể những thách thức với mục tiêu tăng trưởng của chúng ta là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế-xã hội ba tháng đầu năm 2018 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng ổn định nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn, đặc biệt những thay đổi trong chính sách thương mại và thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ là những yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam và các nước trên thế giới. Khi thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ giảm, các doanh nghiệp sẽ quay về nước để đầu tư. Đồng thời, dòng vốn nước ngoài đổ vào Mỹ cũng tăng theo, thay vì chảy sang các nước khác trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế sẽ kích thích người dân tiêu dùng nhiều hơn và làm thâm hụt ngân sách khiến Mỹ thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng tới tài chính toàn cầu.

leftcenterrightdel
Sản xuất tôn mạ kẽm tại nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát.

Về yếu tố trong nước, độ mở của nền kinh tế Việt Nam bao gồm: Xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ trên GDP rất cao, năm 2017 ở mức tới 200%. Do đó, tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc vào tổng cầu của thế giới. Nếu tổng cầu của thế giới tăng ổn định, tích cực theo đúng dự báo của một số tổ chức kinh tế quốc tế thì chúng ta sẽ có nhiều thuận lợi về xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tăng trưởng của quý I phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo, song khu vực này phụ thuộc khá nhiều vào doanh nghiệp FDI. Việc này đồng nghĩa phụ thuộc vào các đơn hàng của khối này như thế nào. Với thực tế hiện nay, công nghiệp chế biến, chế tạo khó giữ được đà tăng trưởng cao liên tục trong quý III và IV-2018.

PV: Thưa ông, vậy còn thuận lợi của nền kinh tế Việt Nam là gì?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Bên cạnh thách thức thì thuận lợi rất lớn hiện nay đó là tổng cầu trong nước đang trên đà tăng trưởng thể hiện qua tiêu dùng và bán lẻ, đây được coi là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2018. Theo điều tra thu nhập của Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, đời sống của cư dân tại nhiều tỉnh, thành phố đang tăng lên. Cụ thể, 30 tỉnh, thành phố báo cáo đời sống cải thiện; 31 tỉnh, thành phố báo cáo ổn định; 2 tỉnh, thành phố có xu hướng giảm nhẹ.

Đáng chú ý, ngành nông, lâm, ngư nghiệp cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, hai năm gần đây tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không quá phụ thuộc vào khai thác dầu thô. Quý I vừa qua, công nghiệp khai khoáng tăng trưởng nhẹ, là do chủ yếu tăng ở lĩnh vực khai thác quặng, kim loại chứ không phải từ khai thác dầu thô. Mục tiêu sản lượng khai thác dầu thô năm 2018 là 11,31 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với năm trước. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy việc tái cơ cấu kinh tế đã phát huy hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

VŨ DUNG (thực hiện)