Cung vượt cầu, giá tiêu lao dốc

Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2010 đến nay, diện tích trồng hồ tiêu nước ta tăng rất nhanh. Nếu như năm 2010, diện tích cây hồ tiêu của cả nước khoảng 51.500ha, năm 2014 là 85.591ha, thì đến hết năm 2017 đã là 152.668ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016 và vượt quy hoạch hơn 100.000ha.

Ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay: "Nguyên nhân khiến diện tích hồ tiêu của Việt Nam phát triển quá "nóng" là do những năm trước đây giá hạt tiêu luôn ở mức cao. Đặc biệt, năm 2015, giá hồ tiêu đạt mức kỷ lục tới 200.000-230.000 đồng/kg, gấp gần 4-5 lần so với giá thành sản xuất. Do giá tiêu cao đã kích thích người dân đua nhau trồng hồ tiêu, diện tích trồng đã mở rộng ngoài vùng quy hoạch".

leftcenterrightdel
Nông dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thu hoạch hồ tiêu.

Không chỉ diện tích tiêu tăng nhanh ở Việt Nam, sản lượng hồ tiêu trên thế giới cũng gia tăng mạnh. Sản lượng tiêu toàn thế giới năm 2016 đạt 434.000 tấn, đến năm 2017 đã tăng lên 510.000 tấn. Theo nghiên cứu của Công ty Nedspice (công ty về chế biến gia vị hàng đầu thế giới của Hà Lan), nguồn cung đang bắt đầu vượt quá nhu cầu và có sự tăng đáng kể mức dự trữ tồn kho ở các nước sản xuất tiêu trên thế giới. Trong giai đoạn 2012-2017, mức tăng sản xuất hồ tiêu là 5,5% trong khi mức tăng nhu cầu chỉ đạt 2,4%/năm.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, riêng năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung hồ tiêu toàn cầu sẽ vẫn cao hơn năm 2017 và cao hơn nhu cầu. Điều này khiến giá hồ tiêu trên thị trường thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu của người trồng tiêu sụt giảm mạnh. Xuất khẩu tiêu Việt Nam không chỉ gặp khó do nguồn cung đang lớn hơn cầu mà còn phải đương đầu do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, như: Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan …

Hiện tại, giá tiêu ở Việt Nam chỉ còn khoảng 61.000-64.000 đồng/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là 49.000 đồng/kg. Do giá tiêu giảm mạnh nên mặc dù thời gian qua Việt Nam xuất nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm. Theo báo cáo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu tiêu 4 tháng đầu năm 2018 khoảng 88.000 tấn, giá trị 311 triệu USD, tăng 15,5% về khối lượng nhưng giảm 33,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu xuất khẩu bình quân các tháng đầu năm 2018 đạt 3.692 USD/tấn, giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Sự phát triển quá “nóng” cây hồ tiêu khiến người trồng tiêu lâm vào cảnh khó khăn. Đồng thời, phát triển ồ ạt cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dịch bệnh gia tăng ở cây hồ tiêu .

Giảm diện tích, tập trung nâng cao chất lượng

Trước dấu hiệu người dân phát triển "nóng" diện tích trồng hồ tiêu, ngay từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị 132 khuyến cáo địa phương quản lý chặt diện tích trồng. Năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tiếp tục có công văn nhắc nhở yêu cầu kiểm tra đôn đốc thực hiện Chỉ thị 132. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của ngành nông nghiệp, nông dân các địa phương vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng tiêu. Trước tình hình trên, mới đây, Bộ NN&PTNT đã phải tổ chức hội nghị bàn giải pháp để cứu ngành trồng tiêu đang lâm vào cảnh ế thừa, tiêu tiếp tục rớt giá, đồng thời tìm các biện pháp để ngành trồng tiêu của Việt Nam phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với cây tiêu, không nên chạy theo năng suất, sản lượng nữa, mà phải tập trung nâng cao chất lượng. Tập trung tái cơ cấu ngay ngành hàng hồ tiêu. Trước hết, cần giảm diện tích hồ tiêu, nhất là ở những nơi không phù hợp với cây hồ tiêu, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ tình hình chung về sản lượng hồ tiêu thế giới.

Bộ NN&PTNT đang tập trung chọn những giống tiêu tốt để công nhận giống, đồng thời tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái. Năm 2015, bộ đã ra Quyết định số 730/QĐ-BNN-TT ban hành quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch hồ tiêu. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã ban hành quy trình phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu. Về sản xuất, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi. Hy vọng với những giải pháp quyết liệt, căn cơ từ phía Bộ NN&PTNT, cây hồ tiêu sẽ không còn phát triển “nóng” như thời gian qua, nhằm hạn chế những hệ lụy tiêu cực, giúp ngành hồ tiêu phát triển bền vững.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM