Tăng trưởng mạnh, ổn định, bền vững

Tăng trưởng GDP của quý I khá thấp, chỉ 5,1%, khiến nhiều người lo ngại cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2017. Trong đó, lĩnh vực khai khoáng-nơi tạo ra tăng trưởng chủ lực trong các năm trước đây thì ngày càng đuối do sản lượng khai thác giảm, giá bán ở mức thấp.

Mặc dù ngay cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Thế nhưng dường như kết quả của quý I là biểu hiện của các tồn tại của nền kinh tế từ nhiều năm chưa được giải quyết; cộng với tình hình quốc tế hết sức phức tạp. Nhiều ý kiến cho rằng, khó để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm, hoặc nếu đạt được thì cũng có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Bởi chỉ có thể kích thích tăng trưởng thông qua các giải pháp không bền vững.

Ngoài ra, năm vừa qua còn là năm nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, 386 người chết và mất tích, tổng thiệt hại tài sản, vật chất lên đến 60.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD). Đến những ngày cuối cùng của năm, các tỉnh Nam Bộ vẫn phải gồng mình phòng, chống cơn bão số 16.

leftcenterrightdel
Các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao được trưng bày tại “Phiên chợ rau-hoa và Triển lãm nông nghiệp công nghệ cao” TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Nói như vậy để thấy nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị để đạt được kết quả tốt đẹp trong năm 2017. Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kịch bản hằng quý cho từng ngành, lĩnh vực; yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch được xác định là động lực chính của tăng trưởng trong năm.

Từ đó, tăng trưởng GDP năm nay hoàn toàn không phụ thuộc vào xuất khẩu của các ngành khai khoáng như dầu thô, than đá và cũng không phụ thuộc vào tín dụng. Thay vào đó, động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu khi lần đầu tiên đạt mức 210 tỷ USD với tốc độ tăng khoảng 20% (gấp 3 lần mục tiêu đề ra). Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá mạnh. Số doanh nghiệp thành lập mới lập kỷ lục với hơn 120.000 doanh nghiệp, số vốn đăng ký mới và bổ sung hơn 3 triệu tỷ đồng; đồng thời có hơn 25.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Số vốn FDI đăng ký cũng đạt mức kỷ lục hơn 35 tỷ USD và số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 13 triệu người. Xuất khẩu nông sản 11 tháng đã đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ…

Tuy tăng trưởng GDP đạt cao nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011-2015 (33,6%).

Việc điều hành của Chính phủ đã tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư nên trong năm 2017, thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất trong 9 năm qua về cả khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Tính tới hết tháng 11, VN-Index và HNX-Index tăng trưởng lần lượt 42,87% và 42,19%.

Kinh tế Việt Nam trở thành điểm sáng của châu Á

Các tổ chức quốc tế đồng loạt ghi nhận kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam. Cụ thể, ngày 11-12, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mạnh mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017, dự kiến đạt 6,7%, cao hơn so với dự báo 6,3% của chính tổ chức này đưa ra trước đó. Về trung hạn, WB nhận định tăng trưởng của Việt Nam sẽ ổn định ở mức 6,5%, lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp. Ngày 13-12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,7% cho cả hai năm 2017 và năm 2018, cao hơn so với lần công bố trước là 6,3% và 6,5%.

Một điểm cần lưu ý là mức tăng trưởng 6,7% của Việt Nam là mức tăng trưởng cao so với bình diện các nước ở châu Á. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế tại châu Á sẽ đạt 6% trong năm 2017 và 5,8% trong năm 2018. ADB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á đạt mức 5,2% trong năm 2017 và năm 2018, so với các mức dự báo tương ứng là 5% và 5,1% được đưa ra hồi tháng 9. 

Theo WB, nhu cầu trong nước gia tăng, các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến đạt kết quả hoạt động tốt là những lý do giúp Việt Nam có được động lực tăng trưởng tốt trong năm 2017. Báo cáo của WB cũng ghi nhận, tình hình tài khóa của Việt Nam đang được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm xuống và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế. Ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều tiến triển trong việc xử lý nợ xấu.

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam có bước tiến vượt bậc. Việt Nam được WB xếp hạng 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2017 và tăng 30 bậc so với năm 2012. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 5 bậc trong năm 2017, đứng thứ 55/137 nước và tăng vọt 20 bậc so với 5 năm trước.  

Trước đó, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam đã từ vị trí 59/128 năm ngoái lên vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số này trong số các nước có thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực.

Những vấn đề đặt ra trong năm 2018

Về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2018, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, cho biết, cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên trọng tâm của Việt Nam trong điều kiện tăng trưởng năng suất chưa cao. Trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng nhân lực và hạ tầng cần có, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, thời gian qua, cách tiếp cận mang tính hành động của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại những kết quả tích cực, được thể hiện ở cả các chỉ tiêu chính thống (tất cả đều đạt), đánh giá của các tổ chức quốc tế (có sự thăng hạng ngoạn mục) và phản ứng của thị trường (chứng khoán khởi sắc). “Tuy nhiên, những kết quả khả quan này cần được duy trì với tính bền vững cao”-TS Huỳnh Thế Du nhìn nhận.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mặc dù nền kinh tế vẫn đang có những vấn đề cần thay đổi nhưng năm 2017, tăng trưởng kinh tế đã có những động thái tích cực. Cơ cấu kinh tế theo ngành bắt đầu dịch chuyển, bắt đầu thoát khỏi các ngành khai thác tài nguyên và chuyển sang công nghiệp chế tạo, dịch vụ. Xu thế khởi nghiệp sáng tạo cũng đang bừng lên, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng mạnh. TS Trần Đình Thiên cho rằng, cách tiếp cận trong 3 năm tới là Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế, nỗ lực ở các mục tiêu cơ bản dài hạn. Cần phải tập trung xóa bỏ các cơ chế, điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp.

Trong năm 2018, theo các chuyên gia, chu kỳ tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại có thể gây nên những tác động nhất định tới kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, những thành công trong thời gian qua cũng sẽ tạo thuận lợi về tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam. Hãng Bloomberg dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2018 với mức 6,6%.         

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Có như vậy mới có thể thu hút được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

HỒ QUANG PHƯƠNG