Chỉ số chứng khoán đạt mức cao nhất trong 10 năm

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng cho thấy việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cho cả năm 2017 là khả quan. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư, doanh nghiệp... trong tháng 11 đều có mức tăng trưởng tốt.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ ở mức 0,13% so với tháng trước, tính chung 11 tháng, CPI bình quân tăng 3,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 1,42% so với cùng kỳ. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 14,5% so với tháng 12-2016, lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng. Chỉ số VN-Index, một thước đo với sức khỏe nền kinh tế, trong tháng đã có lúc đạt đỉnh 950 điểm, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng qua ước đạt gần 1,08 triệu tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 1,13 tỷ đồng, bằng 81,7% dự toán năm. Lũy kế giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đến hết tháng 11 ước đạt 224,6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 66,3% kế hoạch vốn. Tổng vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục sôi động, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 193,7 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 191 tỷ USD, xuất siêu khoảng 2,75 tỷ USD. Trong 11 tháng, cả nước có 116.045 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 14,1% về số doanh nghiệp và tăng 41,9% số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2017. Ảnh: TTXVN.

 


Tổng cung, tổng cầu tích cực, dự trữ ngoại hối cao

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, nền kinh tế đang có chuyển biến tích cực trên cả góc độ tổng cung và tổng cầu, toàn diện ở cả 3 khu vực, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ-du lịch, với dẫn dắt quan trọng của công nghiệp chế biến chế tạo. Động lực tăng trưởng đồng đều ở cả đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh tăng tốt, trong đó, tín dụng cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng gần 25%, chiếm hơn 17% tỷ trọng. Tín dụng cho xuất khẩu cũng rất tốt. Điều này giải thích cho tăng trưởng mạnh của các lĩnh vực nói trên. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sẽ khuyến khích tiếp tục tăng trưởng tín dụng nếu nền kinh tế vẫn hấp thụ được vốn, để cuối năm tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18-19%. Cùng với đó, thời gian qua, tỷ giá ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được khoảng 8 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 46,7 tỷ USD.

Phát biểu tại phiên họp, về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả đạt được trong tháng 11, cho thấy ước tính của Chính phủ báo cáo trong kỳ họp Quốc hội vừa qua là chính xác. Tuy vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như: Việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, mới đạt gần 63%. Sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động còn nhiều. Một số vấn đề khác như bạo lực trẻ em, kinh doanh đa cấp, hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm, hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường nhiều nơi nghiêm trọng; trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông vẫn xảy ra...           

Không có chủ trương thay đổi chữ viết tiếng Việt

Đề cập đến các dự án giao thông BOT, một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện, tìm ra giải pháp triệt để. Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng ở các trạm thu phí BOT như hiện nay.

Về vụ việc giáo viên nhà trẻ tư nhân bạo hành trẻ em, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện nay trong khu công nghiệp rất thiếu nhà trẻ công lập. Vì thế, công nhân buộc phải gửi con ở trường tư, chất lượng không bảo đảm. Do đó, Phó thủ tướng đề nghị phải dành nguồn tiền để xây dựng các trường mầm non ở các khu công nghiệp thì mới giải quyết được nạn bạo hành ở các nhà trẻ tư nhân. Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ khu vực nhà trẻ, mẫu giáo này ở khu công nghiệp để xem xét có đầu tư từ ngân sách.

Tại cuộc họp, đề xuất thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt của PGS, TS Bùi Hiền đang gây chú ý trong dư luận đã được đề cập tới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước đây cũng có một Việt kiều đề xuất thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt nhưng sau đó các nhà khoa học đã trả lời rằng, việc thay đổi là không phù hợp vì ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất tôn trọng đề xuất của nhà khoa học, nhưng bộ khẳng định không chủ trương sửa đổi chữ viết. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, đề xuất trên chỉ là của một cá nhân nhà khoa học, Chính phủ không có chủ trương thay đổi chữ viết.

Không chủ quan với lạm phát cuối năm

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỉ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đồng thời, hỗ trợ cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, vật tư để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất tại các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không được chủ quan, cần nỗ lực đạt được các mục tiêu của năm, đặc biệt là không được chủ quan với lạm phát.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-12 để đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại hội nghị sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng ký ban hành và triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018. Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương một số cơ quan báo chí, trong đó có Báo Quân đội nhân dân trong thời gian qua đã tích cực đấu tranh với thông tin xấu độc, đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" và các hành vi sai trái.

Lùi thời gian thực hiện quy định ghi tên thành viên gia đình lên “sổ đỏ”

Chiều 1-12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2017.

Tại họp báo, Thông tư 33/2017 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đã nhận được sự quan tâm của các nhà báo. Trong thông tư trên quy định, từ ngày 5-12, “ghi tên tất cả thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ”, thay vì chỉ ghi một người đại diện như hiện hành. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, do quy định ghi tên thành viên gia đình vào "sổ đỏ" (Khoản 5 Điều 6 Thông tư 33) còn có cách hiểu khác nhau nên Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) đã quyết định chưa thực hiện quy định trên vào ngày 5-12 như dự kiến. Khi cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ, truyền thông để người dân hiểu thì mới thực hiện quy định này.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, Thông tư 33 xuất phát từ quy định của Luật Đất đai, Bộ Luật dân sự và nghị định liên quan, do vậy "hoàn toàn đúng về tính pháp lý và cần thiết". Lâu nay, khái niệm hộ là chủ thể trong các giao dịch, trên thực tế Bộ Luật dân sự không còn khái niệm hộ mà chỉ quy định tại Luật Đất đai, nên cần có quy định rõ hơn với cá nhân có tài sản chung. 

Trong thực tế, quá trình giao dịch dân sự do quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể, nên đã phát sinh nhiều mâu thuẫn tranh chấp khá nhức nhối; cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý một số vấn đề liên quan, thậm chí tòa án không xử lý được tài sản thế chấp dẫn đến vướng mắc trong xử lý nợ xấu của ngân hàng. Thông tư 33 là để góp phần giải quyết vấn đề nêu trên, nhưng quy định thiếu rõ ràng dẫn tới cách hiểu khác nhau; chưa nêu rõ đối với các trường hợp chuyển tiếp giải quyết thế nào; chưa làm người dân hiểu việc ghi tên từng thành viên vào "sổ đỏ" là tự nguyện và các giấy tờ về "sổ đỏ" trước đây vẫn có hiệu lực.

 QUANG PHƯƠNG - MẠNH HƯNG