Khởi sắc nhưng còn bất cập

Sáng đầu tuần, chúng tôi có mặt tại cảng Tân Cảng-Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). Không khí làm việc ở đây diễn ra khẩn trương, tấp nập cả dưới sông lẫn trên bến. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng Tân Cảng-Cái Mép, cho biết: "Gần đây, sản lượng cụm cảng Cái Mép tiếp tục tăng trưởng, trung bình mỗi tuần có khoảng chục chuyến tàu cập cảng. Số lao động lên tới vài trăm người làm việc đều đặn, thường xuyên".

Tân Cảng-Cái Mép là một trong số ít cảng thuộc nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm số 5, gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và các cảng trên sông Soài Rạp, Long An), có cường độ hoạt động khá đều đặn, nhất là từ đầu năm 2018 đến nay. Nhóm cảng biển số 5 có vai trò quan trọng nhất trong 6 nhóm cảng biển trên cả nước. Tuy nhiên, quá trình khai thác, hàng hóa ra vào nhóm cảng biển này chưa như mong muốn, còn bất cập, nhất là tình trạng mất cân đối cung-cầu giữa các cảng. Lý giải nguyên nhân, theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam: Kết nối cảng nhóm số 5 hiện nay thiếu đồng bộ. Các cảng mới được đầu tư theo hướng tiếp cận gần hơn với biển, nhưng lại xa các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nên việc đầu tư, khai thác hạ tầng bến cảng trong thời gian qua chưa đáp ứng được kỳ vọng. Điều này có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông kết nối manh mún, thiếu tính đồng bộ dẫn đến ùn tắc giao thông, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, nhiều cảng trong nhóm 5 chưa có dịch vụ cung cấp hàng hóa đi kèm. Đơn cử, trường hợp cảng Cái Mép-Thị Vải, dù được đầu tư hạ tầng hiện đại nhưng cảng này chưa có trung tâm logistics và các trung tâm sang tải để phục vụ vận tải, thúc đẩy dịch vụ hậu cần cảng. Đây là điểm hạn chế, giảm sức hút đối với các nhà đầu tư. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Hồ Kim Lân: Kết cấu hạ tầng cảng biển phải hoàn chỉnh phù hợp nhất với các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội để hạn chế những thiệt hại tiềm ẩn do phải thay đổi quy hoạch. Hiện nay, quy hoạch cảng biển Đông Nam Bộ còn thiếu sự gắn kết với quy hoạch phát triển đô thị và an sinh xã hội của từng địa phương…

Tăng cường liên kết để cùng phát triển

Hiện nay, các tỉnh, thành phố có cảng thuộc nhóm cảng biển Đông Nam Bộ đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao công suất khai thác. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên các loại hình kinh tế, dịch vụ, lấy phát triển hệ thống cảng và dịch vụ hậu cần cảng làm nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh Đồng Nai đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20%-25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh 10%-15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%...

Với vị trí quan trọng của cảng biển Đông Nam Bộ hiện nay, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast), nhận định: "Nếu các địa phương quy hoạch phát triển đơn lẻ sẽ không tương xứng và không giải quyết được khó khăn chung. Do vậy, vấn đề cốt lõi là các địa phương có cùng một nhóm cảng cần liên kết chặt chẽ, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kết nối, khai thác cảng biển và các dịch vụ hỗ trợ để đạt hiệu quả tổng thể cao nhất cho toàn nhóm cảng, phù hợp với điều kiện địa lý và tiềm năng thị trường xuất nhập khẩu của từng địa phương. Đây cũng chính là quan điểm của TP Hồ Chí Minh khi kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Kiến nghị này nhấn mạnh việc phát triển cảng biển gắn với phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với cảng...".

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, trong khả năng của địa phương, các tỉnh có cùng nhóm cảng Đông Nam Bộ cần bắt tay giải quyết tốt hệ thống giao thông, cả đường bộ lẫn đường thủy tới các bến cảng, đồng thời thống nhất quy hoạch phát triển cảng biển cần tính tới yếu tố kết nối, liên thông trong khu vực để bảo đảm quy mô và sự bền vững của cụm cảng, không nên “mạnh ai nấy làm” sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể và ảnh hưởng tới cục diện phát triển chung của cụm.

Ngoài sự liên kết giữa các địa phương, ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị Trung ương cần quan tâm thúc đẩy việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối, như: Đường cao tốc Biên Hòa đến khu vực Cái Mép-Thị Vải; kết nối đường thủy nội địa, đường sắt, đồng thời tăng cường kết nối giữa cảng và các chủ hàng, nhanh chóng thực hiện hiệu quả thủ tục hải quan thuận lợi cho doanh nghiệp…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, cùng với sự liên kết giữa các địa phương trong cụm cảng để khắc phục bất cập, hỗ trợ lẫn nhau thì việc điều tiết nguồn hàng hợp lý giữa các cảng cũng là vấn đề cần sự phối hợp của các tỉnh, thành phố để thống nhất giải quyết trên tinh thần liên kết vì lợi ích chung mới thực sự tạo đà phát triển cảng biển trong thời gian tới.

CHÂU GIANG