PV: Thưa đồng chí, xuất phát từ đâu mà TP Thanh Hóa lại bắt tay nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học “Phát triển TP Thanh Hóa xanh, thông minh, phát triển bền vững”?

TS Nguyễn Xuân Phi: Xây dựng đô thị thông minh là xu hướng của thế giới, dựa trên nền tảng công nghệ cao và sự phát triển internet. Do đó, TP Thanh Hóa triển khai đề tài chỉ là sự kế thừa, phát huy tất yếu thành tựu của khoa học, công nghệ. Năm 2014, khi TP Thanh Hóa được công nhận đô thị loại I, được Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội cho mở rộng không gian từ 57 ha lên 144 ha (tức là mở rộng gấp 3 lần) thì vấn đề đặt ra phải nhanh chóng làm công tác quy hoạch với việc chuyển 2/3 diện tích thành phố từ sản xuất nông nghiệp lên đời sống đô thị. Đây rõ ràng là một áp lực lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân ở các miền quê nay lên thành phố được tiếp cận, sử dụng dịch vụ chất lượng cao, nghĩa là từ sản xuất độc canh nhỏ lẻ chuyển thẳng lên sản xuất công nghệ cao. Bởi nếu vẫn quản lý theo lối cũ thì không thể giải phóng sức lao động, sức sáng tạo của người dân.

leftcenterrightdel
 TS Nguyễn Xuân Phi.

PV: Như vậy, trọng tâm của đề tài khoa học xây dựng thành phố xanh, thông minh lấy người dân làm trung tâm, làm đối tượng phục vụ?

TS Nguyễn Xuân Phi: Đúng vậy, nhiệm vụ chính của đề tài là hệ thống hóa, khái quát hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng thành phố hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh-thông minh nhằm minh chứng cho việc phát triển TP Thanh Hóa phù hợp với xu hướng đô thị hóa của thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế của tỉnh và của quốc gia. Xây dựng hệ thống các luận chứng khoa học để chứng minh lợi thế địa lý, kinh tế của TP Thanh Hóa với tư cách làm một đầu mối giao thông của khu vực miền Trung, nơi có ưu thế trong việc giao thông cao tốc (gồm đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc, kết nối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Cảng biển Lễ Môn-Nghi Sơn). Nhìn vào bản đồ tỉnh Thanh Hóa thì TP Thanh Hóa đang ở vị trí trung tâm, nơi kết nối các dòng chảy văn hóa, lịch sử của tỉnh như: Văn hóa Đông Sơn với Trống đồng núi Đọ; văn hóa tâm linh với chùa cổ, làng cổ Hàm Rồng; văn hóa lịch sử như Lễ hội vua Lê, Lễ hội Mai An Tiêm…

Khi triển khai xây dựng thành phố thông minh (Smart City), các công trình dự án sẽ có tính năng phục vụ cao, đáp ứng mọi nhu cầu, yêu cầu của người dân về quy hoạch, tầm nhìn, bước đi cụ thể trong quản lý vệ sinh môi trường; quản lý tài nguyên; thực hiện các thủ tục hành chính. Mai này, người dân chỉ cần ở nhà, dùng máy tính có kết nối internet, có thể vào bất cứ  “xa lộ” thông tin nào của trung tâm dữ liệu thành phố để tra cứu, tìm hiểu mọi vấn đề của đời sống, kinh tế-xã hội. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa thực hiện quyền làm chủ trong giám sát, thực hiện các quy hoạch của thành phố, từ quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển công nghiệp, phát triển nông nghiệp chất lượng cao; phát triển y tế, giáo dục, đặc biệt là phát triển các khu đô thị và giao thông.

leftcenterrightdel
Nút giao Hạc Thành kết nối giao thông Bắc - Nam ở TP Thanh Hóa. Ảnh: HƯNG THỊNH. 

PV: Đồng chí nói rõ mục tiêu của đề tài hướng tới là gì?

TS Nguyễn Xuân Phi: Xuất phát từ yêu cầu cấp bách trong xây dựng và phát triển bền vững, mục tiêu của đề tài là khắc phục những tồn tại của các quy hoạch trước đây, phát huy những lợi thế để xây dựng và phát triển thành phố với yêu cầu cao hơn, chất lượng tốt hơn, người dân thừa hưởng hạ tầng đô thị được quy hoạch và xây dựng chi tiết có tầm nhìn đến 30 năm, hướng tới 50 năm. 10 năm qua, về kinh tế, thành phố đã phát triển nhanh với tốc độ 15-17%/năm nhưng chúng tôi đánh giá tốc độ phát triển đó chỉ là phát triển cơ học. Sau gần 3 năm triển khai nghiên cứu, thực hiện đề tài này, mục tiêu của quy hoạch mới với một hạ tầng đồng bộ có chất lượng cao sẽ đáp ứng các yêu cầu phát triển của thành phố; tăng trưởng sẽ cao hơn, chất lượng hơn, bền vững hơn.

PV: Vậy yêu cầu đặt ra với thành phố là gì để thực hiện có kết quả mục tiêu: Xây dựng thành phố thành đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững?

TS Nguyễn Xuân Phi: Yêu cầu đặt ra với chúng tôi là phải chọn bước đi hợp lý, cụ thể, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân. Tôi xin nói phải thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt; bắt tay ngay vào xây dựng thành phố thông minh, triển khai nhanh các trung tâm dữ liệu thành phố (số hóa), trung tâm điều hành. Đề tài rộng và phức tạp nhưng luôn nhận được sự giúp đỡ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học của Viện Kinh tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Viện Kiến trúc Quốc gia; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành để đề tài đạt được các mục tiêu đã đề ra. Song hành với thực hiện đề tài khoa học, những đề án, dự án xây dựng thành phố xanh-thông minh như: Trung tâm dữ liệu (số hóa); Trung tâm Công nghệ thông tin; Trung tâm điều hành được triển khai thực hiện sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân TP Thanh Hóa nói riêng, kỳ vọng của nhân dân cả nước nói chung.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

THỊNH HƯNG (thực hiện)