Cú hích từ nguồn vốn vay nông nghiệp

 Năm 1997, gia đình ông Trần Văn Lập và bà Đỗ Thị Chín ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân, Thanh Hóa) được Agribank cho vay 500.000 đồng để phát triển kinh tế. Trong những năm sau, ông bà tiếp tục được vay thêm các khoản: 2 triệu đồng, 50 triệu đồng và gần đây nhất (tháng 6-2017) được vay 200 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông bà phát triển từ nuôi gà, dê, trâu, lấy ngắn nuôi dài, đến nay đã xây dựng được trang trại tổng hợp, tăng quy mô đàn gia súc, gia cầm và trồng được 10ha keo, 10ha luồng. Số tiền thu nhập mỗi năm của gia đình khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng. Không chỉ vậy, mô hình trang trại tổng hợp này thường xuyên sử dụng 10 lao động địa phương, lúc cao điểm sử dụng đến 30 lao động.

leftcenterrightdel
 Một góc khu tái định cư Thủy điện Sơn La tại xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai – địa phương trong chương trình 30a của Chính phủ.

Tại Thanh Hóa, Ngọc Phụng không chỉ là xã đầu tiên của huyện Thường Xuân, mà còn là xã đầu tiên trong các huyện 30a của tỉnh Thanh Hóa đạt xã nông thôn mới (NTM) vào tháng 12-2015. Vốn là xã thuộc diện khó khăn, sau khi được huyện chọn làm điểm xây dựng NTM, xã Ngọc Phụng xác định đây là “cú hích” để phát triển, xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với sự vào cuộc tích cực của Agribank trong cung ứng vốn xây dựng NTM, đồng hành cùng người dân địa phương phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo vươn lên làm giàu, xã Ngọc Phụng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Ông Vũ Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng đưa ra sự so sánh rất cụ thể: Từ năm 2009 đến cuối năm 2017, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư của Agribank tại xã tăng 213% với tổng dư nợ là 68 tỷ đồng và 843 hộ gia đình đang sử dụng vốn vay… Chính sự "tiếp sức" của Agribank đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho bà con trong xã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhờ đó giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,6% vào năm 2010 xuống còn 4,12% vào năm 2017.

Nên có cơ chế cho khoản vay tín dụng chính sách

Đến nay, Agribank đã cho vay xây dựng NTM tại 8.937 xã trên tổng số 9.001 xã trong cả nước, dư nợ hơn 372 nghìn tỷ đồng với 2,6 triệu khách hàng.

 Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh khẳng định, đầu tư xây dựng NTM tiếp tục là chương trình tín dụng trọng tâm giai đoạn 2016-2020 của Agibank. Theo đó, Agribank cam kết sẽ chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay NNNT. Agribank cũng quan tâm đến việc đổi mới phương thức, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục, tiết kiệm chi phí để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Agribank mong muốn các vướng mắc sớm được tháo gỡ, như: Triển khai hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Mặt khác, Nhà nước sớm có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm, nhằm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm ngay chính ở thị trường trong nước. Thêm vào đó là phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho NNNT, trong đó có bảo hiểm tín dụng. 

  Do nông nghiệp là lĩnh vực thường gặp rủi ro thiên tai rất cao nên ông Trịnh Ngọc Khánh cho rằng, trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay, Nhà nước cần hiện diện trong lĩnh vực tái bảo hiểm các khoản vay lớn để hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cây trồng, vật nuôi. Cần mở rộng chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm trong NNNT, bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng sản xuất hay các hạng mục công trình ao cá...) theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; tài sản có giá trị như: Vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Điều này cũng làm cho việc xử lý tài sản thế chấp khó khăn, lúng túng trong thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro… Cũng cần tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách, các tổ chức tín dụng cũng cần được hưởng những ưu đãi, như: Ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất, chính sách thuế…

 Bài và ảnh: HOÀNG GIANG