Các làng nghề vẫn ô nhiễm nặng

Thôn Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực là làng nghề chuyên tái chế, cô đúc nhôm từ phế thải để sản xuất chậu, mâm, soong nồi... lớn nhất tỉnh Nam Định. Công việc này giúp nhiều hộ dân có kinh tế ổn định. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ bệnh tật đang bủa vây nơi đây. Theo thống kê, mỗi ngày làng nghề Bình Yên thải ra khoảng 40-50m3 nước thải đậm đặc chưa được xử lý. Kết quả phân tích thành phần nước thải của làng nghề này cho thấy, hàm lượng các chất độc hại như: Crôm 6, Xyanua... cao gấp nhiều lần mức quy định.

Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa cho biết, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 5.411 làng nghề truyền thống. Trong đó, có tới 60% làng nghề tập trung ở khu vực phía Bắc, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định…; khu vực miền Trung có khoảng 23,6% làng nghề, tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế; khu vực miền Nam có khoảng 16,6% làng nghề, tập trung chủ yếu ở TP Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng về không khí, nước, đất; 27% ô nhiễm vừa. Đối với nước thải làng nghề, hàm lượng các chất ô nhiễm vượt cả chục lần cho phép, tập trung chủ yếu tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, sơn mài…

leftcenterrightdel
Không gian ở làng gốm cổ Chu Đậu tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương. Ảnh: TTXVN 

Đánh giá về hoạt động của các làng nghề, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, 72% làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, khó kiểm soát, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, xen kẽ với khu vực sinh hoạt. Quy trình sản xuất thô sơ, tiêu hao năng lượng, tận dụng nhiều sức lao động trình độ thấp. Đáng lo ngại, hầu hết các địa phương chưa chú trọng việc quản lý và bảo vệ môi trường làng nghề. Do đó phần lớn các cơ sở trong làng nghề không có hồ sơ, thủ tục về môi trường; không có hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn và chây ỳ trong thi hành quyết định xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, chính sách di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư đã được thực hiện, tuy nhiên phần lớn các khu, cụm công nghiệp tập trung tại các làng nghề cũng chưa được đầu tư những công nghệ đạt chuẩn để xử lý môi trường.

Cần thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường

Để phát triển bền vững môi trường làng nghề, nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng chỉ đạo, xây dựng hoàn thiện chính sách cụ thể và khả thi đối với làng nghề như hỗ trợ xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hỗ trợ di dời, cho vay vốn ưu đãi, quỹ đất quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề. Đồng thời, tăng cường giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, có cơ chế khuyến khích xã hội hóa công tác quản lý môi trường đối với làng nghề... Các ý kiến cho rằng, hiện nay không ít địa phương chưa thực hiện đúng việc chi 1% ngân sách Nhà nước cho bảo vệ môi trường, mặc dù mức kinh phí này đã là rất thấp.

Ông Nguyễn Quang Hùng, chuyên viên Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần phân công rõ ràng đầu mối quản lý và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, các cơ quan liên quan khác trong quản lý môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Trước hết phải phân loại và kiên quyết xử lý triệt để các hộ sản xuất quy mô lớn phát sinh nhiều chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Cùng với đó cần có chính sách đa dạng hóa nguồn vốn và hình thức đầu tư bảo vệ môi trường làng nghề. Còn ông Hà Văn Lâm, Phó trưởng ban Đại diện Làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội) đề nghị cần phải quy hoạch lại làng nghề, phát triển làng nghề gắn với du lịch theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Đây là những động lực cốt lõi để người dân chính các làng nghề phải chủ động tham gia bảo vệ môi trường.

Thừa nhận tình trạng nước thải từ nghề dệt nhuộm có hàm lượng cặn lớn hầu hết chưa được thu gom xử lý mà xả thẳng ra môi trường, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội đưa ra giải pháp thực hiện kiểm kê nguồn thải và áp dụng các biện pháp kinh tế như thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất rắn. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Đồng thời di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư và quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp, đồng bộ mặt bằng sản xuất, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải để xử lý tập trung.

Gợi ý giải pháp để các làng nghề phát triển bền vững, ông Tôn Gia Hóa cho rằng, quản lý môi trường làng nghề phải dựa vào cộng đồng. Việc xây dựng, khôi phục các quy ước, hương ước của làng, xóm và thực hiện hiệu quả có vai trò quan trọng góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường. Do đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân làng nghề; gắn hoạt động bảo vệ, quản lý môi trường làng nghề với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.  

MINH ĐỨC