Hiệu quả từ việc bám nắm cơ sở

Để giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ; giúp nhân dân, đặc biệt là bà con đồng bào DTTS bỏ đi những hủ tục lạc hậu, chung sức phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thời gian qua, đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai liên tục đi kiểm tra, nhiều lúc một mình thị sát cơ sở, ở lại với bà con, nắm tình hình để giúp dân. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Trang cho biết: "Hằng tháng, quý, căn cứ vào kế hoạch chung của Tỉnh ủy, chúng tôi chỉ đạo cán bộ, công chức tích cực bố trí thời gian xuống địa phương nhằm kiểm tra, giám sát, động viên cán bộ cơ sở và người dân, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để tham mưu giải quyết. Riêng tôi thường tranh thủ thời gian, kể cả ngày nghỉ, lúc thì đi theo đoàn, lúc đi một mình để thị sát, kiểm tra cơ sở, nắm bắt tình hình cụ thể, biết được cái mạnh, cái tốt của từng cán bộ, từng địa phương để biểu dương, động viên và nhân rộng; đồng thời nắm được những mặt còn hạn chế, những nhiệm vụ thực hiện hiệu quả chưa cao; việc bám bản làng, bám dân, giúp dân phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo... Qua đó, nhiều vấn đề trên địa bàn được phát hiện và giải quyết kịp thời, hiệu quả; tinh thần trách nhiệm, năng lực thực tiễn của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng, như điện-đường-trường-trạm được xây dựng, củng cố và đưa vào hoạt động hiệu quả. Nhiều mô hình kinh tế được xây dựng, thực hiện rất tốt… Điều đó khiến người dân tin tưởng hơn vào cán bộ, đảng viên, vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương...".

leftcenterrightdel
 Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đến thăm, động viên học sinh ở làng Pyầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những chuyến đi thị sát, kiểm tra cơ sở, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là những nhiệm vụ khó khăn, đột xuất với cán bộ cơ sở, việc tiếp xúc với người dân, lắng nghe và giải quyết những ý kiến của bà con… của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Tình đoàn kết quân-dân, sự thống nhất giữa các cơ quan, ban, ngành được tăng cường; phát huy trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được nâng cao, hiệu quả công việc từ đó cũng tốt hơn, còn người dân thì luôn tin yêu những cán bộ sâu sát cơ sở, thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ khó khăn với họ.

Đồng chí Đoàn Bảy, Bí thư Huyện ủy Chư Păh cho biết: "Mặc dù Huyện ủy đã tích cực vào cuộc và xác định nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo và tổ chức thực hiện, nhưng trên địa bàn huyện thời gian vừa qua vẫn còn một số vụ vi phạm pháp luật nổi lên, như: Khai thác cát trái phép, phá rừng, vận chuyển, buôn bán gỗ lậu và vẫn còn những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng… Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi thị sát cơ sở, đến tận những địa bàn được cho là nóng và phức tạp, nắm chắc nguồn tin, diễn biến, nguyên nhân, trao đổi với cán bộ lãnh đạo huyện, phân tích rồi gợi ý hướng khắc phục. Trên cơ sở đó, chúng tôi họp, xác định trách nhiệm của từng cá nhân, thống nhất phương hướng, biện pháp lãnh đạo phù hợp, nên đến nay đã hạn chế được nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, địa bàn ổn định".

Bám dân, nghe dân, giúp dân

Trăn trở trước những khó khăn trong cuộc sống của bà con đồng bào DTTS và từ suy nghĩ “làm cán bộ, đảng viên mà cứ để cho bà con đói khổ là có tội với người dân”, quyết tìm cách giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai liên tục tìm về các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, như: Xã Chư A Thai (Phú Thiện); làng Pyầu, xã Lơ Pang (Mang Yang); xã Hà Tây (Chư Păh); xã Chơ Long (Kông Chro); xã Ia Mơr (Chư Prông); xã Ia Nan (Đức Cơ); xã Ia O (Ia Grai)… Tại những nơi này, đồng chí đã ở lại qua đêm, cùng ăn, cùng ở, cùng đốt lửa nói chuyện truyền thống với bà con và cũng là để đối thoại với người dân, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xác định phương hướng để giúp bà con sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Theo đồng chí Đinh Tuy, Bí thư Chi bộ làng Plei Pông (xã Chư A Thai) thì lâu nay, đời sống của bà con DTTS người Ba Na ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do phương thức canh tác lạc hậu nên hiệu quả thấp. Đến mùa giáp hạt, nhiều hộ gia đình thiếu đói. Đang loay hoay tìm hướng thoát nghèo thì rất may đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đến thăm và chỉ cho bà con “con đường sáng”. Đó là toàn dân đoàn kết, chung sức, chung đất làm cánh đồng mía mẫu lớn, với phương thức canh tác hiện đại, các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao chất lượng cây mía và thu hoạch theo kiểu cơ giới thì bà con đã “ưng cái bụng, sáng cái đầu”. Bà con tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất, rút ngắn thời gian, công sức lao động, năng suất đạt gần 100 tấn mía cây/ha. "Nếu như trước đây, gia đình tôi trồng lúa nương và mì, thu nhập chỉ từ 7 đến 10 triệu đồng/ha thì nay tăng lên 35-40 triệu đồng/ha...", đồng chí Đinh Tuy cho biết. Ngoài cánh đồng mẫu lớn tại xã Chư A Thai, đồng chí Dương Văn Trang còn đến khảo sát và chỉ đạo tập trung triển khai nhân rộng một số cánh đồng mía mẫu lớn, như: Cánh đồng Chrô Pơnan, Ia Sol và Bình Trang 2… với nhiều chính sách đầu tư mới, thuận lợi cho bà con.

Đến nay đã gần một năm, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in niềm vui của bà con dân tộc Ba Na, các thầy giáo, cô giáo, học sinh ở làng Pyầu, xã Lơ Pang khi đón Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai về thăm. Biết được làng Pyầu là một ngôi làng thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh, đồng chí Dương Văn Trang đã ở lại qua đêm với bà con, đến từng nhà dân, nhà cán bộ, từng lớp học để nghe dân nói, nghe thầy giáo, cô giáo và các em học sinh tâm sự… để biết “cái khó khăn, cái khổ cực, cái nguyện vọng” của người dân. Một con đường “vắt qua núi” gần 15km từ trung tâm xã lên làng Pyầu đã được hoàn thành trước Tết Kỷ Hợi, các lớp học “ấm hơn, sáng hơn”… "Có đường to, đường thông thoáng rồi, từ nay hạt lúa, củ mì, cái bắp của bà con làm ra được giao thương thuận lợi, không còn cảnh nắng mưa, hư hỏng và bị thương lái ép giá như những năm trước. Các cháu học sinh, các thầy giáo, cô giáo vui vẻ học tập trong những phòng học mới khang trang, sạch đẹp. Năm nay, người dân làng Pyầu đón Tết cổ truyền vui nhất, hạnh phúc nhất", Trưởng thôn Ghép không giấu được niềm vui cho chúng tôi biết.

Đến thăm và kiểm tra địa phương nào, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo “hướng về cơ sở, hướng về cuộc sống của người dân”. Dân no ấm, địa bàn ổn định là điều kiện để phát triển kinh tế. Xác định các giải pháp phù hợp với đặc thù địa phương, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của từng vùng, như: Hồ tiêu ở Chư Sê, Chư Pưh, Đăk Đoa; cà phê, cao su ở Chư Prông, Đức Cơ; cây mía, mì, lúa ở các huyện phía đông… để tạo được sự cạnh tranh đối với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Trong phát triển du lịch, khuyến khích các mô hình du lịch xanh, trải nghiệm, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Phát huy trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo đứng đầu địa phương, đồng chí Dương Văn Trang luôn hướng về cơ sở với mục đích “đem no ấm” về cho bà con và buôn làng, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, vươn lên “tự sống” không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước hỗ trợ, như quyết tâm mà đồng chí đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng tại địa phương vào ngày 30-11-2018.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI