Ngọn lửa đam mê sáng tạo

Sáng tạo với Lương Quốc Sơn là một niềm đam mê được nuôi dưỡng từ thuở nhỏ. Khi còn đi học ở quê hương Thạch Hà, Hà Tĩnh, anh đã rất thích nghiên cứu, sáng chế các loại phế liệu như máy móc, tivi hỏng, vỏ lon bia, nước ngọt, thùng các-tông thành những vật dụng hữu ích cho gia đình, thậm chí thành những món quà độc đáo, đẹp mắt tặng bạn bè, người thân... Năm 1990, anh nhập ngũ vào Sư đoàn 31 (Quân đoàn 3), sau đó đi học và tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật rồi về công tác tại Đại đội 26 cho đến ngày nay. Anh tâm sự: “Những ngày đầu vào quân ngũ tôi có cảm giác bị hụt hẫng vì nghĩ rằng niềm đam mê sáng tạo và khát vọng cống hiến của mình sẽ không thực hiện được nữa. Nhưng tôi đã nhầm, môi trường Quân đội đã thổi bùng ngọt lửa đam mê trong tôi. Những phong trào như “Thanh niên Quân đội tiến quân vào khoa học-công nghệ”, giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... thực sự là những cơ hội để tuổi trẻ Quân đội cống hiến, trưởng thành”. 

Lương Quốc Sơn còn nói với tôi rằng, vấn đề là mỗi người phải tự nhận ra cơ hội ấy để không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu. Có vẻ như Sơn cũng rất tâm đắc với câu nói của nhà văn Lỗ Tấn: “Trên con đường đi đến thành công không có vết chân của kẻ lười biếng”, anh đã nhắc lại câu nói nổi tiếng này để khẳng định với tôi, những kết quả anh có được hôm nay không phải từ trên trời rơi xuống, mà đó, là cả một quá trình phấn đấu học tập, rèn luyện bền bỉ.  

leftcenterrightdel
 Thiếu tá QNCN Lương Quốc Sơn luôn miệt mài làm việc trong công xưởng.
Từ thực tế làm công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, Lương Quốc Sơn nhận thấy các loại vũ khí, trang bị (VKTB) được biên chế ở Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 hiện nay, trải qua nhiều năm sử dụng, cường độ huấn luyện, sử dụng VKTB của đơn vị cao, điều kiện khí hậu Tây Nguyên lại khắc nghiệt, do đó, các bộ phận, chi tiết thường bị bào mòn, rơ lỏng, hư hỏng, tuổi thọ sử dụng ngắn, chất lượng, hiệu quả thấp. Các bộ phận, chi tiết của súng, pháo, trang bị khi bị hư hỏng phải tháo lắp để thay thế, sửa chữa gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức của bộ đội, độ chính xác lại không cao, dễ xảy ra mất an toàn. Trước vấn đề đó, là người thợ với niềm đam mê sáng tạo và khát vọng cống hiến, Lương Quốc Sơn luôn trăn trở, phải làm gì và bằng cách nào đó để giảm bớt khó khăn cho đơn vị, nhưng vẫn bảo đảm được tình trạng kỹ thuật của VKTB, an toàn và độ chính xác cao, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sức cơ động, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của đơn vị.

Khi Lương Quốc Sơn nói lên suy nghĩ, trăn trở của mình, không ít người dè bỉu: “Một anh thợ với trình độ sơ cấp thì làm được gì?”, nhưng Sơn bỏ ngoài tai tất cả, vì anh tâm niệm, thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" mỗi người cần phải phấn đấu hoàn thành tốt công việc hằng ngày của mình. Dù chỉ là việc nhỏ nhưng có lợi cho tập thể, cho đơn vị cũng phải ra sức làm. Và được sự động viên, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, Lương Quốc Sơn bắt đầu hành trình sáng tạo đầy gian nan, nhưng cũng cho anh những kết quả ngọt ngào.

“Kỹ sư chân đất” với những sáng kiến thiết thực

Trong câu chuyện với Lương Quốc Sơn, không chỉ có nụ cười hiền khô, ánh mắt như biết nói của anh cuốn hút tôi, mà công việc của một người thợ vũ khí và bảng thành tích anh có được đã đưa tôi đi qua các cung bậc cảm xúc. Tôi đặc biệt ấn tượng với biệt danh “kỹ sư chân đất” anh em đơn vị dành cho anh. Đưa việc đó trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Đức Thức, Chính trị viên Đại đội 26, Thức cười và nói: “Anh em gọi như vậy, là vì Sơn chỉ mới tốt nghiệp trung cấp vũ khí với trình độ sơ cấp, nhưng kiến thức, trình độ chuyên môn, đặc biệt là niềm đam mê sáng tạo thì vượt trội và có những sáng kiến kỹ thuật không phải kỹ sư nào cũng làm được”. Tính từ năm 2009 đến nay, anh đã có 12 sáng kiến kỹ thuật, tiêu biểu như: Giá bắn phòng không súng PKMS lắp trên xe A2; thiết bị bắn gián tiếp súng cối 60, 82, súng chống tăng B41, súng chống tăng SPG9, súng ĐKZ82-K65, máy rà lắp vòng đồng bịt kín cối 82, 100mm, kìm tháo lắp lò xo, lẫy hộp tiếp đạn AK...

Đây là những sáng kiến được anh gia công, sản xuất dựa trên nhu cầu thực tiễn công tác huấn luyện, SSCĐ của đơn vị; là thành quả của những đêm thâu chong đèn nghiên cứu tài liệu và những ngày làm việc quên giờ trong công xưởng. Các sáng kiến này, đều được Hội đồng khoa học Quân đoàn 3 nghiệm thu và đánh giá xuất sắc, hiện đang ứng dụng rộng rãi trong toàn đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, sáng kiến thiết bị bắn gián tiếp súng B41 và kìm tháo lắp lò xo, lẫy hộp tiếp đạn AK của anh đã đạt giải khuyến khích “Tuổi trẻ sáng tạo” trong quân đội năm 2012, 2014.

leftcenterrightdel
Thiếu tá QNCN Lương Quốc Sơn (người đứng giữa) được Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn 3 tặng hoa, tôn vinh, khen thưởng.
Nói về sự ra đời những công trình của mình, Lương Quốc Sơn tâm sự: “Đặc thù của những sáng kiến kỹ thuật trong lĩnh vực vũ khí, trang bị quân sự là độ chính xác phải gần như tuyệt đối, trong khi đó, tài liệu nghiên cứu, phương tiện để gia công, chế tạo ở đơn vị còn rất hạn chế. Nhiều lúc gặp khó khăn tôi cũng định bỏ cuộc, nhưng khi nghĩ đến nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của đơn vị tôi lại tự lên “dây cót” cho mình và tiếp tục công việc. Tôi luôn đặt ra yêu cầu cho mình là phải tìm ra giải pháp tối ưu nhất, giúp đồng đội giảm bớt công sức, thời gian, nhưng vẫn khai thác tối đa công năng các loại vũ khí, trang bị, bảo đảm sức cơ động và khả năng SSCĐ cao”.

Sơn kể, có những sáng kiến anh phải tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để làm, khi thành công mới dám báo cáo đơn vị, xin thử nghiệm trên thực tế. Sáng kiến, máy rà lắp vòng đồng bịt kín cối 82mm-K65 là một ví dụ. Thực tiễn huấn luyện, bắn đạn thật, tháo lắp lau chùi, bảo quản súng cối 82mm-K65, vòng đồng liên kết vòng cối với đuôi cối thường bị giãn, mòn ảnh hưởng đến hiệu suất bắn. Nhưng chưa có máy chuyên dụng để rà lắp, hiệu chỉnh chính xác, người thợ thường dùng đá hoặc giũa để mài, nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì không có điểm tì, kết quả thường không đều, mặt gia công chi tiết lồi lõm, chỗ dày chỗ mỏng nên khi lắp vào không kín, đóng gỡ nhiều lần, ảnh hưởng đến súng và các bộ phận khác, phương pháp này mất nhiều thời gian công sức của người thợ, độ chính xác và an toàn không cao. Trước thực tiễn bức xúc đó, anh đã sáng chế ra máy rà lắp vòng đồng bịt kín cối 82mm-K65, giúp người thợ giảm thời gian, công sức trong quá trình rà lắp như trước đây, bảo đảm an toàn, chính xác, nâng cao hiệu suất bắn của súng cối 82mm-K65. Hay như sáng chế thiết bị bắn gián tiếp súng cối 60, 82, súng chống tăng B41, súng chống tăng SPG9, súng ĐKZ82-K65 đã khắc phục tối đa yếu tố tâm lý của bộ đội tác động đến chất lượng bắn và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong huấn luyện.

Việc công, việc chuyên môn Lương Quốc Sơn xốc vác, sôi nổi là vậy, nhưng khi tôi hỏi về đời tư, gia đình thì anh rụt rè tâm sự: Cũng không có gì đáng nói đâu anh ạ! Tôi may mắn có một người vợ thấu hiểu công việc của chồng và ủng hộ chồng hết sức, hai đứa con chăm ngoan, học giỏi.

Nói rồi anh nở nụ cười tươi rói và ánh mắt chan chứa hạnh phúc. Tôi được biết, hai cô con gái sinh đôi của anh chị là cháu Lương Thị Khánh Huyền và Lương Quý Thảo Nguyên hiện đang là sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Y Hà Nội và Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Cống hiến và đóng góp của anh được chứng minh qua bảng thành tích của mình mà không phải ai cũng có được: 27 năm tuổi quân, gần như năm nào anh cũng được khen thưởng với đầy đủ bộ sưu tập danh hiệu chiến sĩ tiên tiến, giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành; 6 năm liên tục từ 2010-2016 anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; là một trong những cá nhân được Sư đoàn 10 và Quân đoàn 3 tôn vinh tấm gương điển hình tiên tiến học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN