Gia cảnh khó khăn vẫn học giỏi

Sinh ra và lớn lên tại xã Nghĩa Ninh, thị xã Đồng Hới (nay là phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), Nguyễn Thế Quỳnh là con trai út trong gia đình có hai anh em trai. Bố của Quỳnh trước đây từng tham gia quân đội, chiến đấu ở chiến trường, khi xuất ngũ về địa phương, do lao động nặng nhọc, điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nên lâm bệnh nặng và mất khi em đang học lớp 9. Để hai con được tiếp tục đến trường, chị Trần Thị Vi Hạnh (mẹ của Quỳnh) mở quầy bán thịt lợn ở chợ Cộn (một chợ nhỏ ven TP Đồng Hới). Chồng mất, một mình vất vả làm lụng nuôi con, lo toan mọi việc nên sức khỏe chị Hạnh giảm sút. Nhiều lần chị định bỏ nghề bán thịt lợn vì quá vất vả. Nhưng nếu bỏ nghề thì lấy gì nuôi hai con tiếp tục ăn học? Nghĩ vậy, nên chị lại gồng mình làm việc.

leftcenterrightdel
Nguyễn Thế Quỳnh (thứ 2, từ trái sang) cùng các bạn trong Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự Olympic Vật lý quốc tế năm 2017, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh do gia đình cung cấp) 

Sự ra đi của người cha yêu quý là mất mát lớn nhất và cũng để lại những khó khăn, vất vả đối với Quỳnh và gia đình. Biết mẹ vất vả, anh em Quỳnh đều nỗ lực, cố gắng học giỏi, chăm ngoan. Ngoài thời gian học tập, anh em Quỳnh còn tranh thủ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, chăm lo việc nhà. Vốn là dân nghèo, trình độ văn hóa có hạn, chị Hạnh không giúp được con về kiến thức, mà chỉ biết chắt chiu, tranh thủ kiếm tiền, dành dụm mua sách vở cho hai con học tập. Mặc dù cần nhiều sách để nghiên cứu, học thêm nhưng Quỳnh không dám đòi mẹ mua các loại sách tham khảo, mà thường mượn bạn bè hoặc đến thư viện tìm đọc. Để giúp con có phương tiện phục vụ học tập, chị Hạnh phải đi vay mượn tiền mua cho anh em Quỳnh chiếc máy vi tính để bàn. Thấy con hằng ngày phải đi xe đạp hơn 5 cây số đến trường, khá vất vả, nhất là vào mùa đông, gió bấc, mưa phùn, nhiều lần chị Hạnh muốn mua cho Quỳnh chiếc xe đạp điện, nhưng em không chịu.

Trong các năm học ở nhà trường, Quỳnh đều đạt học sinh giỏi. Năm học lớp 9, Quỳnh đoạt giải Nhì môn Toán, giải Ba môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Kỳ thi vào THPT, Quỳnh đỗ vào lớp chuyên Lý và chuyên Toán, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Trong mấy năm học THPT, em đều là học sinh giỏi, học trò ngoan. Đặc biệt, trong hai năm 2016 và 2017, Quỳnh xuất sắc giành hai Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á. Trò chuyện với chúng tôi, Quỳnh tâm sự: “Kể từ khi ba em mất, mẹ vất vả nhiều lắm để lo cho hai anh em ăn học. Hằng ngày, phải dậy rất sớm đi lấy hàng, nhưng không bao giờ mẹ than phiền, mà luôn động viên anh em cùng cố gắng học tập. Nhiều đêm thấy mẹ trằn trọc lo chuyện tiền nong, em thương mẹ vô cùng. Nhà tuy nghèo nhưng mẹ luôn động viên chúng em cố gắng học tập, rèn luyện. Mẹ là tấm gương, động lực để em phấn đấu...”.

Bà Trần Thị Hường, dì ruột của Quỳnh tâm sự: “Biết nhà nghèo, Quỳnh rất ngoan, thường phụ giúp mẹ mỗi khi không bận học. Không có điều kiện như các bạn, nên Quỳnh càng cố gắng tự học và đó cũng chính là động lực để cháu vươn lên, đạt thành công như bây giờ”.

Hai lần mang vinh quang về cho Tổ quốc

Tháng 7-2016, khi vừa học xong lớp 11, Nguyễn Thế Quỳnh tham gia kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Thụy Sĩ và là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong 5 thí sinh của Đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam, cũng là lần đầu tiên “áp lực” đến với Quỳnh. Quỳnh tâm sự: “Tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2016, em cùng các bạn thí sinh tham dự hai vòng thi thực hành và lý thuyết. Mỗi vòng thi có thời gian làm bài là 5 tiếng và phải giải quyết 5 bài thi (2 bài thực hành, 3 bài lý thuyết). Ở bài thực hành em lỡ làm câu khó trước, nên còn ít thời gian để làm câu dễ. Ngày hôm sau, làm bài thi lý thuyết, em xác định tư tưởng, phải bình tĩnh và cố gắng hết sức”. Kết quả kỳ thi năm 2016, Quỳnh đoạt Huy chương Vàng với tổng số điểm 40,8/50, là một trong hai tấm Huy chương Vàng cho đoàn Việt Nam. Thầy Hoàng Thanh Cảnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, khi đó cùng đi với Quỳnh trong kỳ thi tại Thụy Sĩ, phấn khởi cho biết: “Ban tổ chức và các nhà khoa học đánh giá rất cao đoàn Việt Nam, nhất là em Nguyễn Thế Quỳnh. Họ có lời khen: “Rất xuất sắc!”. Xuất sắc, bởi Quỳnh là thí sinh nhỏ tuổi nhất (chỉ một mình em là thí sinh lớp 11, còn các thí sinh khác đều học lớp 12). Thêm nữa, điểm thực hành của Quỳnh cũng cao hơn hẳn so với các bạn khác. Điều này chứng tỏ sự xuất sắc và tiến bộ của học sinh Việt Nam so với các nước phát triển”.

Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2017 tổ chức tại Indonesia, từ ngày 16 đến 24-7, với sự tham gia của 424 thí sinh đến từ 86 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với kết quả giành 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, đoàn Việt Nam đứng thứ 5 toàn đoàn, trong đó Nguyễn Thế Quỳnh xuất sắc giành Huy chương Vàng, với tổng số điểm là 29,95. Tôi hỏi: “Đến với kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2017 em có gặp khó khăn, trở ngại gì không?”. Quỳnh mỉm cười và nói: “Trước ngày thi, em bị cảm, sốt và ho kéo dài, người rất mệt mỏi. Ngày đầu tiên thi thí nghiệm (thực hành) với 5 tiếng làm 2 bài thi, cũng là lúc bệnh của em nặng hơn. Mồ hôi túa ra, cơn ho kéo dài làm em rất mệt và thở khó. Tuy vậy, với những kiến thức đã được học, em tự tin làm bài thi và đạt kết quả cao”. Chị Hạnh (mẹ của Quỳnh) không giấu nổi niềm vui: “Tôi không ngờ cháu lại đạt kết quả cao như vậy, thật phúc đức cho gia đình tôi”.

Thầy Nguyễn Phượng Hoàng, giáo viên chủ nhiệm, là người luôn giúp Quỳnh ôn luyện môn Vật lý, phấn khởi nói: “Với tư chất thông minh, Quỳnh là học sinh nổi trội trong lớp. Nhưng để có được thành công như hôm nay, em đã phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều”.

Chia sẻ niềm vui về người học trò xuất sắc của quê hương, mới đây, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thay mặt lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, biểu dương và trao tặng Nguyễn Thế Quỳnh 30 triệu đồng. Ông Hoài nói: “Nguyễn Thế Quỳnh là tấm gương sáng trong một gia đình nghèo vượt khó, học giỏi. Mong rằng, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cần có những hành động cụ thể tạo nên phong trào học tập, rèn luyện trong cộng đồng, nhằm phát hiện, bồi dưỡng thêm nhiều nhân tài cho quê hương”.

Mặc dù đạt được nhiều thành tích cao về Toán học nhưng Nguyễn Thế Quỳnh lại chọn cho mình con đường gắn bó với môn Vật lý. Lý giải với chúng tôi về điều này, Nguyễn Thế Quỳnh cho biết: “Em chọn học môn Vật lý vì ngay khi còn học THCS, em đã rất mê môn học này, nhất là những lúc thầy cô làm thí nghiệm trên lớp. Từ đó, em tìm đọc sách, biết môn Vật lý là môn khoa học tự nhiên nghiên cứu, giải thích làm sáng tỏ những điều bí ẩn của tự nhiên, phục vụ đời sống con người. Vì thế, em quyết định gắn bó với môn học này. Em đã nộp hồ sơ xin vào học ngành Vật lý của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Em sẽ cố gắng học tập để thực hiện ước mơ của mình là góp phần đưa ngành khoa học này ở nước ta ngày càng phát triển”.

TRẦN VĂN BÌNH