Cho đến khi cầm bút ghi lại những dòng chữ này tôi vẫn không quên được cảm xúc, lần đầu tiên giữa ban ngày được tận mắt chứng kiến làng quê miền Trung sau những năm khốc liệt của chiến tranh.

Ngày tôi hành quân vào chiến trường, đi trên con đường Trường Sơn bom đạn Mỹ đổ xuống vô cùng ác liệt, nhiều cung đường không ngày nào không thấm máu bộ đội, thanh niên xung phong. Vậy mà vẫn còn có những cung đường đi hằng ngày không gặp một con dốc. Rừng đại ngàn như ôm ru những người lính vào lòng, chúng tôi cũng có những ngày hành quân ra mặt trận đầy thi vị như thế.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Quân giải phóng nổ súng tiêu diệt địch. Ảnh tư liệu.

Miền Trung sau những năm chiến tranh, nhiều mái nhà rơm rạ lụp xụp dưới những rặng phi lao, những lũy tre xơ xác. Nhiều ngôi nhà còn nguyên thân cột cháy đen trên nền đất cũ, bên những miệng hố bom đen ngòm. Lần đầu tiên tôi qua phà sông Gianh giữa ban ngày khi thủy triều đang con nước lớn. Chiếc phà nhẹ rời bến và như cố đi chậm lại cho tôi ngắm nhìn sông Gianh yên bình còn mang nặng trong lòng vết thương chiến tranh. Chiếc phà dường như đã già cỗi, chậm chạp sang ngang, bất chợt tôi nhận ra những vết bom trên mặt boong, trên mép thân phà… Có bao nhiêu chiếc phà đã nằm lại dưới đáy sông Gianh những năm chiến tranh? Có phải tôi đang trở về đứng trên chiếc phà đêm ấy...?

Đó là một đêm đầu tháng 5-1972. Đêm thứ tư kể từ khi Đại đội 44 , Tiểu đoàn 11, Đoàn 22A, Quân khu 4 của chúng tôi xuất quân tại Nghĩa Hội. Chúng tôi dừng chân tại xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Bốn ngày hành quân bộ rồi, những đôi chân đã bắt đầu phồng rộp mọng nước nhưng vẫn không giảm được khí thế tuổi trẻ háo hức lên đường ra trận. Nghe nói sau chặng đường nghỉ tại Quảng Liên chúng tôi sẽ được hành quân bằng xe tải trên đường Trường Sơn, trong chúng tôi ai cũng phấp phỏng chờ đợi. Chờ đợi mình được đi, được chứng kiến con đường ra trận gian khổ, ác liệt nhưng hào hùng, được thi vị hóa bằng lòng kiêu hãnh, tự hào của cả một thế hệ. Mưa bom, bão đạn, lòng thanh thản/ Nhạt muối, vơi cơm, miệng vẫn cười; Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

Khoảng 21 giờ, trong những mái nhà lụp xụp của người dân miền Trung những năm bom đạn, chúng tôi đứa thì viết nhật ký, đứa thì bập bùng ghi ta nghêu ngao hát… Bỗng có lệnh báo động. Chỉ một thoáng, từ trong những mái nhà tranh lụp xụp ấy, cả đại đội đã có mặt tại một bãi đất trống ven làng. Đại đội trưởng chỉ lệnh một câu: “Hướng bến phà sông Gianh, chạy!”. Cũng không ai biết có chuyện gì, hỏi tiểu đội trưởng cũng lắc đầu, hỏi trung đội trưởng thì bảo cứ ra bến phà sông Gianh mới biết. Ra bến phà sông Gianh chúng tôi được chia thành từng nhóm. Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới chúng tôi ngày ấy, có khoảng hơn 100 chiến sĩ, sau 4 tháng ở Nghĩa Hội, nhiều người chỉ biết mặt mà chưa kịp biết tên. Theo hướng dẫn của dân quân địa phương, chúng tôi lội nước trèo lên một chiếc phà nửa nổi, nửa chìm ghếch mạn lên mép bờ. Bấy giờ ai cũng nhận ra trong mặn mòi của gió và nước biển, nồng nặc mùi khét của khói bom. Một trận B-52 vừa mới xảy ra khi một đại đội nữ thanh niên xung phong tỉnh Hà Nam Ninh đang trên boong phà sang sông. Bom B-52 không trúng phà nhưng phà bị lật nghiêng, nhiều cô gái thanh niên xung phong hy sinh và bị thương. Số bị thương đã được chuyển đi cấp cứu, số hy sinh vừa được đưa lên mép sông và còn đang nằm lại trên boong phà. Bế từng cô gái vừa hy sinh lên cáng, chúng tôi chuyển về đặt tạm ở nghĩa trang xã Quảng Liên.

Đêm tháng 4, dưới ánh trăng mờ tỏ, những cô gái thanh niên xung phong nằm bên cạnh nhau như đang ngủ. Thỉnh thoảng một làn gió từ phía bờ sông thổi vào phất phơ những lọn tóc vừa kịp khô. Các cô gái cũng trạc tuổi chúng tôi. Chúng tôi ai cũng cố giữ cho nước mắt không trào ra kể cả những đứa mau nước mắt nhất. Ngày mai chúng tôi lại hành quân ra trận, đứng lặng nhìn các cô gái “nằm ngủ” mà không ai muốn chắp tay trước ngực, không ai muốn tin các cô đã đi vào cõi vĩnh hằng. Đêm nay là một đêm huyền thoại, đêm mà lần đầu tiên trong đời tôi được ngắm những gương mặt thánh thiện của những nàng tiên đang say giấc nồng dưới ánh trăng tháng 4. Không hiểu sao cái “đêm huyền thoại” ấy cứ theo tôi suốt những năm tháng khốc liệt đầy gian khổ hy sinh ở chiến trường…

Được về Trường văn hóa Quân khu 4, tôi lao vào ôn tập quên cả ngày đêm. Học như thể để bù đắp những kiến thức chưa kịp học trước khi ra mặt trận; học để thỏa cái mơ ước trước khi rời ghế nhà trường… Rất nhiều đêm tôi ôm quyển sách ngủ thiếp đi. Tôi mơ thấy cái đêm ấy, tôi mơ thấy hàng chục cô gái thanh niên xung phong ấy cũng đang cắp sách tới trường. Có lúc tỉnh dậy với quyển sách úp trên ngực tôi vẫn như thấy đang đứng giữa cái đêm ấy, đêm đầu tiên trên đường ra trận, tại bến phà sông Gianh, tôi nhận ra “màu của chiến tranh”.

HỒ NGUYỄN