* Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri

Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH); xem xét báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018 và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021. Cơ bản các ý kiến phát biểu đều đồng ý với các đề nghị của Chính phủ.

Cụ thể, UBTVQH nhất trí với lộ trình giảm dần chi phí quản lý BHXH theo Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 của UBTVQH. Theo đó, năm 2019, chi phí quản lý giảm xuống còn 2,15%; năm 2020 là 2%; năm 2021 là 1,85% dự toán thu, chi BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bình quân cả giai đoạn sẽ là 2%.

UBTVQH cũng nhất trí, lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc của BHXH Việt Nam; người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và nhóm người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong ngành Lao động-Thương binh và Xã hội ở mức 1,8 lần như quy định trong nghị quyết của UBTVQH, thực hiện ổn định cho đến khi Nhà nước ban hành chế độ tiền lương mới.

* Cũng trong chiều 15-5, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã thông qua nghị quyết thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

* Sáng 15-5, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ tư của Quốc hội; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ năm của Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ tư của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị này đã được Ban Dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Theo báo cáo, trong tổng số 1.993 kiến nghị mà cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, có 1.474 kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri; 162 kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết xong; còn 357 kiến nghị đang được nghiên cứu để giải quyết.

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, mặc dù trả lời kiến nghị của cử tri đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn hiện tượng một số bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết các vấn đề cụ thể mà cử tri nêu. Đối với một số kiến nghị rất cần các bộ, ngành nghiên cứu tìm các biện pháp tháo gỡ để giải quyết ngay các vướng mắc, hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm thì chỉ được các bộ, ngành trả lời bằng việc cung cấp thông tin, chỉ dẫn một số văn bản hiện hành có liên quan, hoặc trả lời “đang nghiên cứu...”, “sẽ giải quyết...” nên chưa đáp ứng đúng mong muốn của cử tri...

Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với UBTVQH đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 763 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.330 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp. 

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; tiếp tục có giải pháp hiệu quả để phòng, chống tham nhũng, lãng phí... 

Cho ý kiến vào dự thảo các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri. Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ hiện nay một số nơi, việc tiếp xúc cử tri đã có nhiều thay đổi, thành phần tham dự hầu hết là đại diện các tầng lớp nhân dân. Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng cần được chỉnh sửa, bổ sung để nội dung đầy đủ, toàn diện hơn, nhất là trong việc đánh giá về công tác giải quyết, tiếp thu, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

CHIẾN THẮNG