Từ nghiên cứu tình hình thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra trong tất cả các nước văn minh, tức là, ít nhất ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức... C.Mác đã chứng minh rằng, giai cấp vô sản (GCVS) sau khi nắm chính quyền trong tay sẽ đứng trước một sự tất yếu là phải vũ trang bảo vệ những thành quả cách mạng XHCN. Rằng, cách mạng vô sản trong tiến trình phát triển của mình không tránh khỏi sự chống đối của các giai cấp bóc lột đã bị lật đổ. Các giai cấp này dựa vào sự ủng hộ của các lực lượng phản động bên ngoài, với vũ khí trong tay sẽ chống lại chính quyền mới.

leftcenterrightdel
 Các Mác (5-5-1818 / 5-5-2018)

Trong những điều kiện ấy, giai cấp công nhân phải có tinh thần cảnh giác cách mạng cao và có sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự để tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng. C.Mác đã chỉ ra rằng, các giai cấp bóc lột bị lật đổ đang âm mưu dùng sức mạnh của vũ khí để giành lại những thành quả của GCVS, phục hồi trật tự cũ, rằng trong cuộc đấu tranh với bọn phản cách mạng, GCVS buộc phải dựa vào sức mạnh của vũ khí.

Trong khi chỉ ra khả năng và thậm chí sự không tránh khỏi cuộc chiến tranh giữa nhà nước vô sản và các lực lượng phản cách mạng trong và ngoài nước, C.Mác khẳng định rằng, GCVS có thể tiến hành những cuộc chiến tranh giải phóng, chính nghĩa; đồng thời thừa nhận khả năng của những cuộc chiến tranh phòng thủ của CNXH chiến thắng-sự phòng thủ của GCVS chiến thắng chống lại giai cấp tư sản.

C.Mác cũng khẳng định về sự cần thiết phải có những hành động phối hợp tích cực của những người lao động ở tất cả các nước trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức xã hội và dân tộc, cũng như trong công cuộc bảo vệ những thành quả của mình sau khi thiết lập nền chuyên chính của GCVS. Đây là điều kiện thiết yếu việc củng cố chính quyền của những người lao động và bảo vệ nó một cách có hiệu quả, “cần phải làm sao để những người công nhân của các nước khác nhau không chỉ cảm thấy, mà còn hành động như những người anh em và đồng chí trong cuộc đấu tranh để giải phóng mình trong một đội quân thống nhất”.

Như vậy, theo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen thì sau khi giành được chính quyền, GCVS phải nhanh chóng củng cố nền chuyên chính vô sản; đập tan sự phản kháng của giai cấp tư sản; củng cố khối liên minh công-nông; giải giáp quân đội cũ; vũ trang toàn dân; thành lập các đội dân cảnh; tổ chức xây dựng xã hội mới; kiên quyết tiến công đập tan mọi hành động phản kháng của giai cấp tư sản.

Trung thành và phát triển sáng tạo tư tưởng vũ trang quần chúng bảo vệ thành quả cách mạng XHCN của C.Mác trong điều kiện lịch sử mới; từ thực tiễn công cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ, bảo vệ nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới từ sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển những tư tưởng của C.Mác về bảo vệ thành quả cách mạng XHCN, xây dựng nên học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN. Tư tưởng của C.Mác và V.I.Lênin đã được các đảng cộng sản trên toàn thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong quá trình tiến hành cách mạng XHCN. 

Thực tiễn công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga ở các nước XHCN đã khẳng định những giá trị khoa học và cách mạng của quan điểm Mác-Lênin về bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những tư tưởng cơ bản của C.Mác về bảo vệ thành quả cách mạng XHCN không những có giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa hiện thực tiếp tục chỉ đạo công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN nói chung, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay nói riêng.

Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tiếp tục diễn ra trong bối cảnh mới. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. So với 10 năm trước, tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc, có những diễn biến phức tạp mới… Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, bên cạnh kết quả, thành tựu đã đạt được vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, làm xuất hiện những vấn đề phức tạp mới ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trong những điều kiện đó, chúng ta phải tiếp tục trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng cơ bản của C.Mác về bảo vệ thành quả cách mạng XHCN phù hợp với điều kiện mới. Phải tiếp tục khẳng định những vấn đề rất cơ bản về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; kết hợp phương thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh phi vũ trang để bảo vệ Tổ quốc XHCN; tổ chức và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc XHCN. 

Cùng với việc làm trên, chúng ta cần tiếp tục phát huy sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh của truyền thống và hiện đại; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN theo tư duy mới. Chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và ngày càng hiện đại; xây dựng tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc. Chăm lo xây dựng LLVT, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt là xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò tổ chức, quản lý, điều hành của Nhà nước XHCN, của các tổ chức chính trị-xã hội và tính tích cực chính trị, tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mọi người dân Việt Nam yêu nước, yêu CNXH (cả người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam đang định cư, sinh sống, làm việc ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc) trong công cuộc xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới, biến những tư tưởng cơ bản của C.Mác về bảo vệ thành quả cách mạng XHCN thành sức mạnh hiện thực trên đất nước ta.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới, cần khẳng định quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Chủ động, tích cực chăm lo xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia ngay từ trong thời bình, “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, thực hiện “nước nhà cường thịnh, giang sơn thêm vững bền”, “quốc phú binh cường” là kế sách bảo vệ Tổ quốc tích cực nhất, chủ động nhất và có hiệu quả nhất.

Thực hiện tốt quan điểm, phương châm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” là đối sách đúng đắn nhất nhằm tiếp tục quán triệt và xử lý mối quan hệ giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo, vùng trời với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong một thế giới đầy biến động phức tạp như hiện nay.

Trong điều kiện nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đang phải hằng ngày, hằng giờ đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và quá trình “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” từ bên trong do tác động của “diễn biến hòa bình”, do sự tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế, cộng với những tiêu cực nảy sinh trong quá trình xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH thì vấn đề nâng cao khả năng “tự bảo vệ” có vai trò cực kỳ quan trọng. Nâng cao khả năng “tự bảo vệ” của mỗi người, của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, tăng cường “sức đề kháng”, “khả năng miễn dịch” trước sự tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhất định sẽ đem lại hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và ngăn chặn, đẩy lùi quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

 "... Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị. Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam...".

                                                                                               (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng)

PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG