Tiếng lành đồn xa, từ đó khoai mài của cựu chiến binh Nguyễn Thái Hiệp không chỉ được tiêu thụ trong huyện, tỉnh mà còn được thương lái ở miền Nam ra mua, tiêu thụ rất nhanh, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Cũng chính từ cây khoai mài, gia đình ông Hiệp đã có điều kiện để nuôi 5 con trưởng thành, học đại học.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Thái Hiệp.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Thái Hiệp, năm 1998, sau khi nhận khoán 30ha rừng, gia đình ông trồng keo nhưng không mang lại hiệu quả nên đã chuyển sang trồng cây ăn quả và cây lấy củ, trong đó tập trung vào cây khoai mài. Ông Hiệp chia sẻ: “Thấy tôi vay vốn ngân hàng, đầu tư nhiều vào cây khoai mài nên không ít người lo lắng, khuyên tôi nên từ bỏ. Song, tôi và vợ vẫn quyết tâm, tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai mài nên ngay mùa đầu tiên, khoai đã cho năng suất cao, mẫu mã lại đẹp, tiêu thụ được nhanh. Năm vừa qua, gia đình tôi trồng 3ha, năng suất đạt từ 8 đến 9 tấn/ha, với giá bán tại vườn từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, tôi thu nhập được 400-450 triệu đồng/ha. Năm nay, tôi sẽ trồng 5ha khoai mài”.

Ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, cho biết: “Cây khoai mài vừa cho thu nhập cao lại có tác dụng phòng, chống cháy rừng tốt vì khi trồng khoai mài, người dân sẽ cắt hết thực bì để ủ cho khoai mài. Từ mô hình của cựu chiến binh Nguyễn Thái Hiệp, chúng tôi sẽ nghiên cứu và khuyến khích nhân rộng trồng cây khoai mài, đồng thời xây dựng, phát triển thương hiệu “Khoai mài Hương Sơn”.

Bài và ảnh: LÊ HOÀI NHƠN (Xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh)