Khác với vắc xin, chỉ vài giờ sau khi tiêm Evusheld cơ thể đã có đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ không mắc Covid-19 với hiệu quả lên tới 83% và không có trường hợp nào bệnh nặng hay tử vong trong suốt 6 tháng theo dõi trong nghiên cứu PROVENT của AstraZeneca. Hiệu quả này được quan sát thấy ở cả những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc đang sử dụng các thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có thể không tạo được đáp ứng miễn dịch với vắc xin phòng Covid-19 như: Người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ như dùng corticoid liều cao, kéo dài) hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…

Kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca. 

Khi sử dụng các vắc xin ngừa Covid-19, bao gồm các kháng nguyên được đưa vào người, cơ thể “nhận diện” rồi tự sản sinh ra kháng thể, gọi là miễn dịch chủ động. Trong khi đó, nhiều trường hợp ở người bị suy giảm miễn dịch từ vừa đến nặng thì khả năng sản sinh không đủ, thậm chí không sinh ra kháng thể để phòng ngừa Covid-19. Để giải quyết vấn đề này, Evusheld đi theo con đường miễn dịch thụ động, nghĩa là tiêm vào cơ thể một lượng kháng thể đã được tổng hợp sẵn. Nhờ đó, Evusheld cung cấp đủ lượng kháng thể cần thiết để chống lại SARS-CoV-2, nhờ trung hòa các tác nhân gây bệnh và chống xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh. Người bệnh có thể tiêm Evusheld bằng đường tiêm bắp (cơ mông).

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính khoảng 2% dân số toàn cầu thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước Covid-19 do bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng.

Cơ chế hoạt động của Evusheld. Nguồn AstraZeneca 2.

Evusheld là kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép nhằm dự phòng trước virus SARS-CoV-2, đặc biệt trên nhóm người nguy cơ cao, nhóm người yếu thế, suy giảm miễn dịch, nhóm người không có khả năng sinh kháng thể dù đã được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc không thể tiêm vắc xin.

GS, TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân suy giảm miễn dịch, ung thư, viêm khớp tự miễn, ghép tạng hoặc các bệnh hệ thống… rất dễ bị tổn thương trước Covid-19 đang phải sống trong lo âu và tự cách ly với xã hội. Người bệnh lo ngại rằng cơ thể của họ không thể sinh miễn dịch đầy đủ sau khi tiêm vắc xin như những người khỏe mạnh khác. “Người suy giảm miễn dịch, người không thể tiêm vắc xin Covid-19… sẽ có cơ hội sử dụng “siêu vắc xin” kháng thể đơn dòng Evusheld giúp bảo vệ, giảm nguy cơ nhập viện, tử vong vì Covid-19”, GS, TS Ngô Quý Châu nhấn mạnh.

Người dân tiêm vắc xin tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Phong Lan

Trước đó, ngày 8-3, UBND TP Hồ Chí Minh có công văn khẩn triển khai đợt cao điểm “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ năm 2022”. Trọng tâm của đợt cao điểm là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn tổ chức triển khai “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi có kèm bệnh nền), nhằm giảm số trường hợp mắc Covid-19 nặng và góp phần giảm tử vong.

Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh khẳng định thậm chí những người không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào hiện có vì từng xảy ra tác dụng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần của vắc xin Covid-19 như: Dị ứng nặng, sốc phản vệ… vẫn được chỉ định tiêm.

VƯƠNG THÚY