Do quá tải bệnh viện nên nhiều người phải điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, khi nào người bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện là điều mà nhiều người quan tâm.

Theo bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết là bệnh có thể dễ dàng được điều trị và chăm sóc tại nhà bằng các kiến thức y khoa thông thường như: Nghỉ ngơi, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, uống thuốc hạ sốt và chủ động phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để đi khám, nhập viện điều trị, thông thường đó là thời điểm pha sốt muộn (ngày bệnh thứ 3-4, hoặc nhiệt độ hạ/hạ thân nhiệt), cộng với ban xuất huyết, chảy máu mũi, miệng...

Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một công trường xây dựng trên địa bàn phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Tuy nhiên, có nhiều người sốt xuất huyết diễn tiến bệnh nặng từ ngày thứ 4, hạ tiểu cầu, sốc xuất huyết, nhưng không biết và đến viện kịp thời đã rơi vào nguy kịch, thậm chí tử vong. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 12 ca tử vong, trong khi năm 2011 không ghi nhận ca nào. 

Theo bác sĩ Đỗ Anh, ước tính tới 1/20 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết Dengue có thể tiến triển nặng, đe doạ tính mạng. Sốt xuất huyết Dengue có thể từ không có triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch/nặng. Sốt xuất huyết có 4 tuýp nên một người có thể nhiễm tới 4 lần. Sau nhiễm sẽ tạo miễn dịch lâu dài với tuýp đó. 

Khi bị nhiễm lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ cho tiến triển nặng. Biểu hiện của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt do căn nguyên khác (cúm A/B, Rsv.. trong những ngày đầu của bệnh). Vì biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết không đặc hiệu nên cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (sốc) sớm, để nhanh chóng nhập viện và can thiệp sớm, giảm nguy cơ tử vong.

Khi nào sốt Dengue trở nên nguy hiểm? Theo bác sĩ Đỗ Anh, dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nên nguy hiểm thường rơi vào pha sốt muộn, hay còn gọi là pha hạ sốt, thường diễn ra 24-48 giờ. Khi trẻ hết sốt là thời điểm dấu hiệu nặng có thể xuất hiện liên quan đến các tình trạng thoát mạch, ứ dịch (gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng…), tình trạng suy hô hấp, khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể.

Do đó, gia đình cần phát hiện sớm 6 dấu hiệu sau để đưa trẻ nhập viện: Đau bụng; li bì/kích thích và nôn liên tục; trẻ đang sốt cao hạ thân nhiệt đột ngột; trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi/miệng/tiểu máu/phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái; chân tay trẻ lạnh/ẩm; đau bụng/gan to ra, ấn tức vùng bụng.

Sốt xuất huyết có 4 giai đoạn: Pha ủ bệnh (5-7 ngày), pha sốt, pha nguy kịch/nguy hiểm, pha hồi phục.

Biểu hiện hay gặp ở pha sốt thường diễn ra trong 2-7 ngày với triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, đau mắt, đau khớp, đau họng, đau đầu, nôn và buồn nôn; ban đỏ da, chấm xuất huyết dưới da. 

THÁI SƠN-TRẦN HẰNG