Đến nay ghi nhận một số trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi... Không ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Sơ bộ ban đầu tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp hơn thông báo của nhà sản xuất.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: TTXVN 

Ngày 21-4, nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tại các điểm tiêm, các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, chia khung thời gian, khu vực tiêm và sau tiêm đảm bảo giãn cách. Đội ngũ cấp cứu nhanh thường xuyên túc trực để xử trí kịp thời trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Cụ thể, TP Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Phước, Lạng Sơn, Phú Thọ... đồng loạt triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Trước băn khoăn của một số phụ huynh về việc có nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ trong lứa tuổi này, các chuyên gia y tế cho biết, số liệu thống kê cho thấy, trẻ em dưới 18 tuổi có ít nguy cơ tử vong do Covid-19 và nếu mắc bệnh thì bệnh cũng thường nhẹ hơn so với các nhóm tuổi khác.

Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp trẻ mắc Covid-19 tiến triển nguy kịch, thậm chí tử vong. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh nhưng việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Do đó, để bảo vệ trẻ thì vắc xin là chìa khóa hiệu quả.

GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trong số đó, ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý 2-2022... Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022.

NGỌC LÂM