Về vấn đề này, bác sĩ Hà Việt Huy, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Các bác sĩ của Bệnh viện vừa điều trị cho một nữ bệnh nhân ở Lai Châu, tính mạng bị đe dọa bởi sốt mò. Bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp tích cực như hỗ trợ thở máy, lọc máu để cải thiện tình trạng suy hô hấp, chống lại các biến chứng.

Qua thăm khám, bệnh nhân bị mò đốt ở vị trí khó phát hiện, đòi hỏi sự kiểm tra kỹ lưỡng và tỉ mỉ của bác sĩ. Việc tìm ra vết đốt trong trường hợp này là yếu tố quyết định giúp chẩn đoán đúng bệnh và áp dụng phác đồ điều trị ban đầu. Với bệnh nhân mắc sốt mò, việc sử dụng thuốc đặc hiệu đóng vai trò quyết định trong quá trình điều trị. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả và bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

Nốt mò đốt trên bệnh nhi. Ảnh minh họa: baotintuc.vn 

Mò là một loại ve, họ nhện, ngành chân đốt, màu vàng, đỏ, da cam, nhỏ khoảng 1mm, thường ở nơi bụi rậm, gốc cây, khe đá, ven sông, suối có bụi rậm. Sốt mò là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc họ Rickettsiaceae gây ra, thường lây truyền qua vết đốt của loài mò. Đây là bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra biến chứng suy đa cơ quan và tử vong. Sốt mò ít gây biến chứng nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Đây là lý do tại sao việc phát hiện sớm rất quan trọng.

Vết đốt do con mò gây ra thường có đặc điểm khi đã đóng vảy đen kích thước khoảng 2-3 x 3-5mm, không đau, không ngứa, có viền đỏ và nổi lên bề mặt da, thường không có các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, phát ban, nổi hạch. Nhưng đến giai đoạn trở nặng sẽ xuất hiện tình trạng khó thở. Điều này khiến bệnh dễ bị bỏ sót trong giai đoạn đầu nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng. Bệnh sốt mò không lây qua đường hô hấp hay tiếp xúc thông thường mà chỉ lây truyền qua vết đốt trực tiếp của con mò. Thường những người sống hoặc làm việc tại các khu vực vùng núi có nguy cơ cao mắc bệnh sốt mò. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh nên cách tốt nhất để ngăn ngừa sốt mò là môi trường sống cần thông thoáng, thường xuyên vệ sinh và diệt côn trùng tại nơi ở của mình, không nằm hoặc phơi quần áo tại những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào. Người hay vào rừng tham quan hay làm việc chú ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn. Nên mặc quần áo kín đáo, đi giày cao cổ, sử dụng thuốc chống côn trùng... Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao kéo dài, mệt mỏi hoặc khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.