Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, chia sẻ: Can thiệp tái thông tổn thương hẹp, tắc cầu nối động, tĩnh mạch (AVF) đóng vai trò như “đường dẫn máu” đối với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ. Đây là cầu nối giữa động mạch và tĩnh mạch được tạo ra nhờ phẫu thuật, giúp tạo ra một đường tiếp cận mạch máu có lưu lượng đủ lớn để bảo đảm hiệu quả lọc máu. Ưu điểm nổi bật của cầu nối AVF là độ bền cao, có thể sử dụng trong nhiều năm, ít nguy cơ nhiễm trùng, đông máu, hẹp hoặc tắc nghẽn. Nhờ đó, cung cấp lưu lượng và tốc độ máu ổn định, giúp quá trình chạy thận an toàn và hiệu quả hơn so với các phương pháp tiếp cận mạch máu khác.
 |
Bác sĩ Bệnh viện E thăm khám bệnh nhân. Ảnh: BV |
Tuy nhiên, trong quá trình lọc máu, người bệnh có thể gặp một số biến chứng của cầu nối như hẹp, phồng, giả phồng, nhiễm trùng, vỡ... cầu nối AVF. Để xử lý tình trạng này, các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã áp dụng kỹ thuật can thiệp nong bóng tái thông mạch để điều trị. Đây là phương pháp can thiệp nội mạch xâm lấn tối thiểu, giúp tái thông dòng chảy bằng cách sử dụng bóng nong mạch hoặc đặt stent để mở rộng vị trí bị hẹp. Kỹ thuật này giúp người bệnh duy trì liệu trình chạy thận ổn định, giảm thiểu nguy cơ phải tạo cầu nối mới, giúp họ có một cuộc sống chất lượng hơn và đem lại nhiều lợi ích như: Giúp cải thiện lưu lượng máu ngay lập tức, bảo đảm quá trình lọc máu không bị gián đoạn; không cần phẫu thuật lớn, giảm nguy cơ biến chứng và thời gian hồi phục nhanh chóng; giúp kéo dài tuổi thọ của cầu nối, hạn chế việc phải tạo cầu nối mới; tránh các can thiệp phẫu thuật phức tạp, giảm thời gian nằm viện và gánh nặng tài chính cho người bệnh.
Đối với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối và có cầu nối AVF, cần được chăm sóc, theo dõi định kỳ để bảo đảm hoạt động hiệu quả nhằm duy trì quá trình lọc máu ổn định, hạn chế nguy cơ biến chứng. Người bệnh nên kiểm tra cầu nối hằng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như: Sưng, đỏ, đau, giảm tiếng rung hoặc khó tiếp cận trong quá trình lọc máu; tránh mang vác nặng hoặc tạo áp lực lên tay có cầu nối để hạn chế nguy cơ tổn thương; giữ vệ sinh vùng cầu nối sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng; đồng thời tuân thủ lịch tái khám và kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.
|
QĐND
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.