Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế) chia sẻ: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú trong hai năm đầu đời là rất quan trọng, giúp trẻ mau lớn, khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng với các bệnh nhiễm khuẩn.

Nhiều bà mẹ băn khoăn khi phải đi làm, có nên tiếp tục cho trẻ bú, hay làm thế nào để thực hiện được việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Để thực hiện điều đó, bạn cần cố gắng chủ động hơn và cần được sự động viên, khích lệ và giúp đỡ của gia đình. Nếu nhà bạn gần nơi làm việc thì đó là điều kiện thuận lợi để có thể tranh thủ thời gian nghỉ về nhà cho con bú. Nếu nhà ở xa thì bạn có thể vắt sữa ở nơi làm việc để người nhà đến lấy mang về cho con bú. Buổi sáng trước khi đi làm, mẹ nên vắt sữa càng nhiều càng tốt, khi mẹ vắt sữa xong thì nên cho bé bú tiếp để trẻ nhận được sữa cuối. Khi đến nơi làm việc, mỗi khi ngực căng sữa, bà mẹ có thể vắt sữa rồi bảo quản để mang về cho con bú. Nếu mẹ vắt sữa thường xuyên, đều đặn, nguồn sữa sẽ được duy trì.

leftcenterrightdel

Nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị hướng dẫn sản phụ vệ sinh tay và cho con bú sữa mẹ đúng cách. Ảnh: NHUNG NGUYỄN 

Nếu người mẹ vắt sữa bằng tay thì cần chuẩn bị dụng cụ đựng sữa như cốc hoặc bình sữa đã được rửa sạch, tráng qua nước sôi và để ráo nước; túi đựng sữa chuyên dụng. Trước khi vắt sữa hãy massage ngực đúng cách để sữa được lấy nhiều nhất có thể. Nên vắt mỗi bên tối thiểu từ 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt lại cả hai bên. Thời gian để vắt sữa kéo dài khoảng là 20-30 phút.

Nếu người mẹ vắt sữa bằng máy hút sữa thì nên chọn loại phễu phù hợp nhất với bầu vú của mẹ. Trước khi hút sữa, cũng cần rửa sạch tay, phễu chụp vú và bình đựng sữa. Massage ngực trước và trong khi hút để giúp sữa dễ chảy ra. Có thể hút sữa cả hai bên vú cùng một lúc để rút ngắn thời gian vắt sữa.

Để vắt được nhiều sữa, người mẹ nên vắt sữa theo từng cữ bú trong ngày của bé, lý tưởng nhất là 3 tiếng vắt một lần. Bạn không nên “để dành” sữa trong vú vì làm như vậy có thể khiến bạn rất khó chịu vì cương tức sữa và vô tình làm cho sữa của mình ít dần đi. Hãy cố gắng thư giãn trước những áp lực từ công việc để có nguồn sữa tốt nhất cho bé. Ngoài ra, bạn nên duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng và uống 2,0-2,5 lít nước mỗi ngày bởi nước cũng là một trong những thành phần chủ yếu của sữa mẹ.

Sau mỗi lần vắt sữa, bạn nên cho sữa vào một túi hoặc bình riêng và đánh số để chú ý không cho bé bú sữa đã để quá lâu. Bạn cũng không nên đổ sữa cũ và sữa mới vào cùng một bình. Sữa để dành trong ngăn mát tủ lạnh. Trong ngăn mát tủ lạnh, sữa bảo quản được khoảng 24 giờ, và nếu để trong ngăn đá thì có thể giữ được vài tuần, thậm chí vài tháng nếu điều kiện vô trùng tốt. Sữa mẹ có thể bảo quản lâu hơn sữa bò vì có chất chống nhiễm khuẩn.

Lưu ý khi trước khi vắt sữa, phải rửa tay sạch bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Nếu sử dụng máy hút sữa, hãy kiểm tra các bộ phận máy hút và đường ống đảm bảo sạch sẽ. Thay thế các ống dây hút đã bị bẩn, mốc. Bảo quản sữa mẹ sau khi vắt sữa bằng cách sử dụng túi trữ sữa mẹ hoặc hộp đựng thực phẩm sạch để đựng sữa mẹ đã vắt ra. Nên dùng hộp đựng được làm bằng thủy tinh hoặc nhựa và có nắp đậy kín. Tránh các loại chai/ túi có ký hiệu tái chế số 7 (Bisphenol-A), biểu tượng này cho thấy rằng vật chứa có thể được làm bằng nhựa có chứa BPA. Không bảo quản sữa mẹ trong túi nhựa không dùng để đựng sữa mẹ.

Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.