Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Huân, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chia sẻ: Các bác sĩ của Trung tâm Hồi sức tích cực đang tích cực cứu chữa cho bệnh nhân N.T.M (15 tuổi, ở Bắc Ninh) bị sốc nhiễm khuẩn do mắc tụ cầu vàng, tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp. Xét nghiệm khí máu toan chuyển hóa nặng.

Kết quả chụp CT sọ não có phù não, CT ngực có nhiều nốt rải rác ở hai phổi. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc độc tố do vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus gây ra.

 Trẻ bị nhiễm trùng huyết nguy kịch do vi khuẩn tụ cầu vàng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Qua thăm khám lâm sàng, phát hiện trên vùng mặt phải của cháu M có nhiều nốt mụn đã được bôi thuốc không rõ loại, viêm tấy lan tỏa toàn bộ nửa mặt phải, hốc mắt. Bệnh nhân có tình trạng sốc nhiễm trùng tiến triển nhanh. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng đáp ứng thuốc của cháu M rất kém, khiến tình trạng sốc ngày càng trầm trọng hơn.

Vi khuẩn tụ cầu vàng, hay còn gọi là Staphylococcus aureus, là một loại vi khuẩn có thể tìm thấy ở lỗ mũi và trên da của khoảng 30% người khỏe mạnh mà không gây ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thuận lợi, khi vi khuẩn xâm nhập và phát triển, chúng có thể gây ra các bệnh cảnh nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, đặc biệt là đối với những người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy yếu hoặc trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Đối với các em ở lứa tuổi dậy thì, mụn thường xuất hiện nhiều hơn và đây có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tụ cầu vàng ở độ tuổi này, vì các tổn thương da do mụn tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

Để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn như tụ cầu vàng, đặc biệt là đối với các em ở lứa tuổi dậy thì, các em cần chăm sóc da đúng cách. Tránh nặn mụn hoặc chạm tay vào mặt khi tay không sạch để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Cần rửa mặt nhẹ nhàng bằng các sản phẩm phù hợp và tránh sử dụng các loại thuốc trị mụn không rõ nguồn gốc. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng da, như mụn viêm, sưng tấy, mẩn đỏ, cần điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ.

Không tự ý dùng thuốc hoặc bôi thuốc mà chưa có chỉ định từ bác sĩ. Khi có các triệu chứng như sưng nề, đau, sốt, khó thở, rối loạn ý thức, buồn nôn, hoặc mẩn đỏ trên da, cần đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.