Về vấn đề này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao trong cộng đồng, thường ghi nhận chùm ca hoặc vụ dịch. Bệnh do virus cúm gây ra, với hai nhóm phổ biến gồm A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%). Mầm bệnh có thể tồn tại hàng giờ ở bên ngoài môi trường, đặc biệt lâu hơn ở nhiệt độ lạnh, môi trường ẩm thấp. Từ 0 đến 4 độ C, virus có thể sống trong vòng vài tuần. Ở âm 20 độ C và đông khô, virus có thể sống đến vài năm.
 |
Người dân tiêm phòng cúm tại VNVC. Ảnh: PHONG LAN |
Triệu chứng ban đầu của cúm gồm sốt, ho, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và có thể phục hồi sau 2-7 ngày, dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm lạnh thông thường. Vì vậy, người dân còn chủ quan cho rằng bệnh nhẹ, làm chậm trễ thời gian phát hiện và điều trị. Trong khi bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết. Các nhóm người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, đái tháo đường... có nguy cơ cao trở nặng hơn.
Một trong những biến chứng nặng của cúm là viêm phổi. Bệnh nhân có thể mắc viêm phổi do virus cúm hoặc kèm theo bội nhiễm virus, vi khuẩn khác như phế cầu hoặc tụ cầu vàng. Ví dụ, người bệnh vừa bội nhiễm virus cúm và phế cầu khuẩn, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên gấp 8 lần. Khi trở nặng, người bệnh xuất hiện cơn khó thở, thở nhanh, mệt lả, tím tái môi, lơ mơ. Nhóm nguy cơ cao đối diện nguy cơ tăng nặng bệnh nền, tổn thương đa cơ quan, suy cơ tim, suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Phụ nữ mang thai mắc cúm cũng thường lâu khỏi bệnh hơn và có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn. Trong đó, viêm phổi là biến chứng nguy hiểm nhất, có nguy cơ phải thở máy, dùng kháng sinh liều cao hoặc điều trị bằng hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể được chỉ định phẫu thuật để đưa em bé ra sớm hơn khiến bé chào đời non tháng.
Virus cúm còn tác động lên thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, thai ngừng phát triển hoặc giới hạn tăng trưởng trong tử cung, thai nhỏ hoặc mắc dị tật như hở hàm ếch, tim bẩm sinh, rối loạn tâm thần và một số khiếm khuyết khác trên cơ thể. Bởi vậy, người dân nên tiêm vaccine cúm, hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm tứ giá thế hệ mới, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết...
Ngoài ra, người dân có triệu chứng bệnh như ho, sốt, nhức mỏi cần khám sớm để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị sớm. Mọi người không nên tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng virus. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định có thể khiến bệnh trở nặng hơn.
Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.
|
QĐND
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.