Về vấn đề này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca phát ban nghi sởi từ đầu năm đến nay ở nước ta đã tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong thời gian qua...

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh, 90-100% người chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm virus sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, ký túc xá, bệnh viện...

leftcenterrightdel

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh. Ảnh minh họa: tuoitre.vn 

Không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn chưa có miễn dịch với căn bệnh này cũng có thể mắc bệnh. Với những trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh (đặc biệt là trẻ dưới 9 tháng tuổi) hoặc chưa tiêm đầy đủ (trẻ dưới 12 tháng tuổi) là nhóm có nguy cơ cao mắc sởi. Bệnh sởi gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Trong đó, biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi, đồng thời có thể khiến bệnh nhi bội nhiễm vi khuẩn. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp tới tiên lượng nặng của trẻ và có khả năng gây ra tử vong. Ngoài ra, sởi còn có thể dẫn đến biến chứng viêm não khiến trẻ xuất hiện tình trạng co giật; biến chứng ở đường tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

Hiện nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, các phương pháp điều trị hiện có đều hướng đến điều trị các triệu chứng, đồng thời, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Nếu trẻ được điều trị tại nhà, khi sốt trên 38,5 độ C, bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về một số loại thuốc giảm đau với liều lượng phù hợp và cho trẻ uống theo chỉ định của bác sĩ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác nhằm hạn chế lây lan, bùng phát thành dịch, khó kiểm soát. Vệ sinh thân thể cho trẻ hằng ngày.

Dọn dẹp, giữ vệ sinh nơi ở và môi trường xung quanh bảo đảm không gian sống sạch sẽ, thoáng mát. Chia bữa ăn hằng ngày thành các bữa nhỏ với các loại thực phẩm dễ tiêu nhưng vẫn cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ. Lưu ý, thức ăn cho trẻ cần phải được nấu chín kỹ và bảo đảm vệ sinh. Bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất cho trẻ, đặc biệt là vitamin A. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như: Sốt cao, tức ngực, khó thở, thở khò khè, rối loạn về tri giác, rối loạn về tiêu hóa thì nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời...

Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.