Số ca mắc bệnh sởi tăng mạnh

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay, có 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và 10 trường hợp mắc rubella tại 7 tỉnh, thành phố, đặc biệt ghi nhận một chùm ca bệnh sởi tập trung tại Hà Tĩnh ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi.

Các chuyên gia cảnh báo năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc xin. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong. Thai phụ mắc sởi và rubella ngoài gặp biến chứng có thể tăng nguy cơ thai nhi dị tật, sảy thai, sinh non. 

leftcenterrightdel

Tiêm phòng là biện pháp duy nhất để phòng bệnh sởi. Ảnh: PHONG LAN

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh, 90-100% người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm virus sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, ký túc xá, bệnh viện…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào năm 2021 đã có khoảng 128.000 trường hợp tử vong được xác định nguyên nhân do sởi, hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi.

Những đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh sởi?

Trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Việc tiêm chủng không đầy đủ có thể khiến dịch sởi bùng phát bất cứ lúc nào, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và gián đoạn trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm chủng sởi trong cộng đồng đang sụt giảm, số ca bệnh tích lũy qua các năm sẽ là nguy cơ cho dịch bùng phát.

Các chuyên gia khuyến cáo, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi nên tiêm phòng sởi đầy đủ là trẻ chưa được tiêm vaccine; thanh thiếu niên, người trưởng thành chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vaccine trước đây; người lớn tuổi có bệnh nền mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, phổi, đái tháo đường; phụ nữ chuẩn bị có thai…

Sởi nguy hiểm khi có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác và gặp nhiều biến chứng.

Trẻ có thể gặp biến chứng viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi; viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi; tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi. Trẻ có thể nhìn mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa; suy dinh dưỡng, còi xương sau khi mắc sởi, ảnh hưởng sự phát triển toàn diện của trẻ.

Ở thai phụ, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não cấp tính và bùng phát lao tiềm ẩn. Nếu mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể bị sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu.

Bác sĩ Bạch Thị Chính giải thích khi mắc sởi, cơ thể người mẹ chống lại virus sởi bằng cách gây sốt. Trong khi đó, nhiệt độ ở tử cung luôn cao hơn nhiệt độ cơ thể 1-1,5 độ C. Nếu mẹ bị sốt 39-40 độ C, thai nhi sẽ gặp nguy hiểm khi phải chịu nhiệt độ trong tử cung là 40-41,5 độ C.

Người dân cần chủ động phòng bệnh sởi, rubella

Tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Vắc xin có thành phần sởi như sởi đơn, sởi-quai bị-rubella có thể tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi có hiệu quả đến 98%. Phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm sởi-quai bị-rubella trước mang thai 3 tháng để tránh mắc bệnh và truyền kháng thể bảo vệ thai nhi và con ở những tháng đầu đời khi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.

Các chuyên gia y tế lưu ý bên cạnh sởi, rubella, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như cúm, thủy đậu, ho gà cũng đang lưu hành, trẻ em và người lớn cần tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Bên cạnh biện pháp tiêm phòng, mọi người cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay, giữ nơi ở, làm việc thoáng mát. 

THÁI SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.