Bác Hoàng Thanh (phường Ka Long, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) hỏi: Người lớn mắc sởi có nguy hiểm không?
Về vấn đề này, bác sĩ Trịnh Thị Lan Hương, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Không chỉ trẻ nhỏ, dịch sởi đang khiến nhiều người trưởng thành nhập viện trong tình trạng nặng, dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang tiếp nhận và điều trị một số ca bệnh ở độ tuổi 35-46 với biểu hiện sốt cao, ho, phát ban, thậm chí suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) phải can thiệp bằng phương pháp VV ECMO (hệ thống oxy hóa máu qua màng ngoài cơ).
 |
Nhiều trường hợp người lớn mắc sởi với các biến chứng nặng như suy hô hấp cấp (ARDS) phải can thiệp ECMO. Ảnh: qdnd.vn |
Ví dụ bệnh nhân N.X.V (46 tuổi, Nghệ An), khởi phát sốt cao, ho, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Sau 3 ngày tự điều trị tại nhà không thuyên giảm, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa TP Vinh. Tại đây, tình trạng hô hấp xấu đi nhanh chóng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc sởi biến chứng ARDS, là một biến chứng nguy hiểm của sởi. Nếu không được can thiệp kịp thời, ARDS có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, tuy nhiên độ bão hòa oxy trong máu rất thấp. Trước diễn biến nguy kịch, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và ngay lập tức được chỉ định điều trị bằng phương pháp VV ECMO.
Việc tiêm đủ hai mũi vaccine sởi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Người từng mắc sởi hoặc từng tiêm vaccine sẽ có miễn dịch suốt đời. Những ai không rõ mình đã tiêm hay từng mắc bệnh nên tiêm nhắc lại nếu dịch bùng phát. Vaccine sởi là vaccine sống giảm độc lực, chống chỉ định với người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Với những đối tượng này, cần chủ động phòng tránh bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người. Ngoài ra, người lớn cũng nên tiêm nhắc lại, không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ cộng đồng xung quanh. Việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng nhằm hạn chế lây lan và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Khi có các biểu hiện như sốt cao, ho, tiêu chảy, phát ban... cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.
|
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm đợt 3 năm 2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn triển khai chiến dịch đồng bộ, đúng kế hoạch.
Ngày 17-4, Bộ Y tế thông tin một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc sởi giảm như: Nghệ An, TP Huế, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp; trong khi một số nơi như: Gia Lai, Lai Châu, Lào Cai lại có số mắc tăng. Đáng lo ngại, đã có 8 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.