Nền móng cho phương pháp điều trị hiện đại
65 năm trước, Khoa Tâm thần được tách ra từ Khoa Nội thần kinh-tâm thần với vài ba bác sĩ - nay là Bộ môn-Khoa Tâm thần. Giờ đội ngũ cán bộ, nhân viên Bộ môn đông đảo với những cá nhân suất sắc, trở thành lá cờ đầu trong ngành tâm thần toàn quốc.
Đại tá, PGS, TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa A6 cho biết: “Có được Khoa A6 như ngày hôm nay là nhờ phần lớn công lao của các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng. Việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần hiệu quả thì phải kể đến PGS, TS Lê Hải Chi-người đầu tiên áp dụng “hệ thống cửa mở” vào điều trị cho các bệnh nhân tâm thần ở Việt Nam. Nhờ phương pháp này mà sự kỳ thị với bệnh nhân tâm thần đã giảm đi nhiều, rút ngắn sự khác biệt giữa ngành tâm thần và các chuyên khoa khác của y học. “Hệ thống cửa mở” trong điều trị bệnh nhân tâm thần chính là nền móng cho các phương pháp điều trị tâm thần hiện đại ngày nay...”.
 |
Triển khai kỹ thuật sốc điện gây mê tại Khoa A6, Bệnh viện Quân y 103. |
“Hệ thống cửa mở” được áp dụng tại Khoa A6 từ năm 1974 được ví như cuộc cách mạng 4.0 hiện nay. Khoa A6 của Bệnh viện Quân y 103 trở thành nơi đầu tiên tại Việt Nam không giữ, không trói buộc các bệnh nhân tâm thần. Các cải tiến trong mô hình "cửa mở" là xây dựng khuôn viên bệnh viện thân thiện hơn, tạo không gian sinh hoạt, giải trí cho bệnh nhân; cho phép người thân đến thăm; cải thiện chế độ ăn uống, vệ sinh; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, giải trí... Thực tế cho thấy, cùng với sử dụng thuốc điều trị, liệu pháp tâm lý cũng là một biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh tâm thần hiệu quả. Môi trường sống trong các phòng bệnh giúp bệnh nhân thoải mái, thái độ của nhân viên y tế luôn thân thiện, phục vụ tốt giúp bệnh nhân tin tưởng nói ra những vấn đề trong lòng, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả. Bệnh nhân còn được hoạt động thể lực như trồng cây, dệt chiếu, chơi thể thao... nên bệnh nhân phục hồi sức khỏe rất nhanh, giúp họ có thể dễ dàng hòa nhập với xã hội.
Tiếp đến là phải nhắc tới PGS, TS Ngô Ngọc Tản, người đã đưa “hệ thống cửa mở” lên một tầm cao mới bằng cách kết hợp giữa việc quản lý bệnh nhân bằng “hệ thống cửa mở” với phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại. PGS, TS Ngô Ngọc Tản đã “tận dụng” lợi thế của bệnh viện đa khoa đầu ngành để phối hợp điều trị các mặt bệnh của bệnh nhân tâm thần. Ví dụ, bệnh nhân điều trị tim mạch nhưng có dấu hiệu mặt bệnh của Khoa A6 thì sẽ được chuyển xuống Khoa A6 điều trị. Hoặc bệnh nhân tại Khoa A6 cần điều trị các bệnh lý khác thì Khoa sẽ mời bác sĩ chuyên khoa xuống thăm khám cho bệnh nhân... Nhờ đó, bệnh nhân được điều trị bệnh kịp thời mà không phải chuyển đến các cơ sở y tế chuyên khoa khác.
Những “cây đa, cây đề” tại Bộ môn-Khoa Tâm thần đã nghiên cứu để rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân xuống một con số mà không bệnh viện tâm thần nào ở Việt Nam có thể làm được. Những năm qua, Bộ môn-Khoa Tâm thần đã thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ giảng viên ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao trong công tác đào tạo của Học viện. Bộ môn-Khoa Tâm thần cũng là nơi có nhiều đầu sách nhất trong ngành tâm thần Việt Nam.
Nhắc đến Khoa A6 là phải nhắc đến kỹ thuật sốc điện gây mê, một kỹ thuật “có một không hai” điều trị rất hiệu quả cho nhiều loại bệnh tâm thần. Thượng tá Đỗ Xuân Tĩnh, Chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Tâm thần chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, Khoa A6 là nơi duy nhất thực hiện được “kỹ thuật ECT gây mê” trong điều trị bệnh tâm thần. ECT gây mê là biện pháp sốc điện có sử dụng thuốc gây mê nhằm không gây cơn co cứng, co giật toàn thân mà vẫn giữ nguyên hiệu quả điều trị như sốc điện cổ điển. Hàng năm, Khoa A6 thực hiện hàng nghìn lượt sốc điện điều trị các rối loạn tâm thần cho bệnh nhân. Mỗi ngày, chúng tôi thực hiện 20-30 ca sốc điện gây mê nhưng chưa để xảy ra biến chứng nào. Nhờ kỹ thuật này, bệnh nhân hồi phục rất nhanh, điều trị được rút ngắn”. Thời gian điều trị của bệnh nhân chỉ còn hai tuần, rất thấp so với các bệnh viện tâm thần khác.
Đưa người bệnh trở về bằng sự yêu thương
Trung tá QNCN, điều dưỡng Đoàn Thị Nhị chia sẻ: “Gần 20 năm gắn bó với Khoa, tôi chưa một lần ân hận với công việc mình đã chọn. Nghề nào cũng vất vả nhưng tôi may mắn được cả gia đình ủng hộ, đó là động lực lớn giúp tôi vượt qua khó khăn, yên tâm công tác. Mỗi lần nhìn thấy người bệnh bình phục, trở về với gia đình là tôi thêm một lần được tiếp sức lực và niềm yêu nghề. Điều tôi tự hào nhất là chứng kiến Khoa A6 ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều bác sĩ, điều dưỡng giỏi “đầu quân”, được người dân đặt trọn niềm tin”.
Theo Thiếu tá, bác sĩ Phạm Thị Thu, Khoa A6, gần 10 năm công tác tại Khoa, với chị mỗi ca bệnh lại có nét “đặc biệt” và hoàn cảnh riêng. Bệnh nhân tâm thần ngoài điều trị bằng thuốc thì các phương pháp điều trị tâm lý cực kỳ quan trọng. Để giúp người bệnh vượt qua bệnh tật, trong quá trình làm việc bác sĩ Thu cũng như cán bộ, nhân viên y tế ở Khoa cũng thường xuyên tìm cách trò chuyện phù hợp để thấu hiểu thế giới của những người không may mắc bệnh này. Từ đó, giúp bệnh nhân cảm thấy an toàn, tin tưởng, thoải mái trong việc giãi bày mọi tâm tư, tình cảm của bản thân với mình.
Trung tá, TS Đinh Việt Hùng, Phó chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Tâm thần chia sẻ: “Có thể nói Khoa A6 điều trị bệnh cho bệnh nhân hiệu quả là vì chúng tôi đặt ra quy tắc "điều trị cho bệnh nhân như điều trị cho người thân của mình". Muốn thế, phải biết lắng nghe, thương yêu họ, gần gũi, coi những bệnh nhân là người thân của mình. Khi họ đã có lòng tin, họ sẽ trải lòng, sẻ chia”.
Thời gian tới, Khoa A6 tiếp tục đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật chuyên sâu; phối hợp chặt chẽ với Khoa Dược để đưa nhiều loại thuốc mới hơn, tốt hơn vào điều trị cho bệnh nhân để nâng cao kết quả điều trị, giữ vững vị trí dẫn đầu trong ngành tâm thần toàn quốc.
Bài và ảnh: MỸ XUÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.