Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 là một trong những “kiến trúc sư” trong hành trình xây dựng nên thương hiệu ấy. Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), Báo Quân đội nhân dân Điện tử có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn.

PV: Thưa Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, ngày 27-2 hằng năm có ý nghĩa thiêng liêng không chỉ với nghề thầy thuốc mà còn là dịp để cả xã hội tôn vinh, tri ân các thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Cảm xúc của ông thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: 61 năm tuổi đời, 44 năm tuổi quân, 40 năm tuổi Đảng, 10 năm làm Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, hiện nay tôi không còn làm công tác chỉ huy, quản lý nữa mà chuyển qua làm công tác chuyên môn. Mỗi năm, đến ngày 27-2, cảm xúc bao trùm đó là niềm hạnh phúc!

 

 Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn.

PV: Trong niềm hạnh phúc ấy, hẳn là có rất nhiều dấu ấn, kỷ niệm!

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Đúng vậy! Làm nghề y, mỗi sự kiện, mỗi khoảng thời gian đi qua đều đọng lại những dấu ấn không thể nào quên. Kể ra thì nhiều lắm, chỉ xin nhắc lại một ấn tượng gần nhất, đó là vào dịp này năm ngoái, kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức lễ cưới cho 20 cặp uyên ương với chủ đề “Ngày chung đôi”. Họ là những cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng viên, công nhân viên của bệnh viện, đã dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt phòng, chống đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm 2020-2021. Chứng kiến giây phút hạnh phúc của các bạn trẻ, chúng tôi cảm động không cầm được nước mắt.

PV: Vâng! Sự kiện nhân văn ấy đã lay động lòng người và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Chúng tôi cũng được mời tham dự đám cưới ấy nên rất hiểu cảm xúc của ông, người khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức sự kiện “Ngày chung đôi” cho các bạn trẻ. Đám cưới đặc biệt ấy như một nốt nhạc vui trong bề dày truyền thống, vị thế, thương hiệu của Bệnh viện Quân y 175 mà ông là người được giới chuyên môn coi như một “kiến trúc sư” tận tụy và tâm huyết, góp phần xây dựng nên cơ đồ ấy? Ông có chia sẻ gì về quá trình xây dựng, phát triển bệnh viện trong những năm qua?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Bài toán nan giải, khó khăn nhất đặt ra là xây dựng cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực. Bệnh viện nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và đặc biệt là sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân đội; sự đoàn kết, ủng hộ và đồng hành của cả tập thể, từ Đảng ủy, Ban giám đốc đến đội ngũ cán bộ, công nhân viên toàn bệnh viện.

Đến hôm nay Bệnh viện Quân y 175 đã có một hệ thống cơ sở hạ tầng cùng trang thiết bị hiện đại, một hệ thống dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng và đặc biệt là trình độ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ của thế hệ thầy thuốc trẻ. Theo định hướng phát triển, Bệnh viện Quân y 175 là một quần thể y tế đa năng gồm 7 viện và trung tâm chuyên sâu, trung tâm cấp cứu ngoại viện đường bộ, đường không và đường thủy ngang tầm khu vực.

Cảnh quan môi trường, những tiện ích dịch vụ tốt nhất dành cho người bệnh tiếp tục được hoàn thiện. Với 6 đối tác chiến lược: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Australia, CHLB Đức… bệnh viện có thể tư vấn, cung cấp những dịch vụ y tế tốt nhất cho những người bệnh có nhu cầu.

Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Quân y 175.

PV: Nói đến Bệnh viện Quân y 175, không thể không nhắc đến y tế biển, đảo và bệnh viện dã chiến tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: 30 năm đồng hành với y tế biển, đảo, đặc biệt là đảo Trường Sa Lớn, từ một tổ quân y 3 người, thiếu thốn trăm bề, giờ đây đã trở thành một trung tâm y tế (TTYT) khang trang, không chỉ là địa chỉ tin cậy cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo mà còn là niềm tin, chỗ dựa cho bà con ngư dân đang ngày đêm bám biển, lao động sản xuất trên ngư trường quần đảo Trường Sa.

Hiện nay, TTYT Trường Sa có khả năng giải quyết một cách căn bản các cấp cứu nội và ngoại khoa. Hệ thống truyền hình trực tuyến “Telemedicine” kết nối giữa TTYT Trường Sa với bệnh viện, giúp việc chỉ đạo, phối hợp điều trị, cấp cứu bệnh nhân được thuận lợi, hiệu quả.

Chúng ta có trực thăng, thủy phi cơ bay cấp cứu từ hải đảo về đất liền, đã tạo ra khả năng tác chiến cơ động, “cướp” được giờ vàng, cứu sống nhiều người bệnh có bệnh lý đặc biệt. Việc hình thành được một hệ thống tổ chức chỉ huy, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, quân binh chủng và bệnh viện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng trong suốt thời gian qua, chúng ta đã không để người bệnh nào tử vong trên đảo do bệnh lý.

TTYT Trường Sa đã góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân có tính chất bệnh lý đặc biệt, phức tạp. Hai công dân sinh ra trên đảo được cha mẹ lấy tên của các thầy thuốc đặt cho con mình: Nguyễn Ngọc Trường Xuân và Thái Bình Hải Thùy, là những câu chuyện đẹp và cảm động về người thầy thuốc quân y ở Trường Sa.

8 năm đồng hành với lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ), Bệnh viện Quân y 175 vinh dự và tự hào được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao trọng trách là đơn vị đầu tiên tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm vụ vẻ vang này. Chúng ta đã tổ chức thành công các bệnh viện dã chiến. Các chiến sĩ của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được LHQ tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình, Thư khen của Tổng thư ký LHQ. Những thành tích xuất sắc của các bệnh viện dã chiến đã lan tỏa đến bạn bè thế giới hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ quân y cách mạng, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn tặng hoa, đón các chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 hoàn thành nhiệm vụ, trở về nước.

PV: Trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 khốc liệt vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 là một điểm sáng điển hình của ngành y tế trong tâm dịch, được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Ngay khi dịch bùng phát, bệnh viện đã chủ động tổ chức lại các viện, trung tâm, khoa, phòng, ban…; phân chia ca-kíp để đảm bảo chất lượng và quân số làm việc phù hợp với tình hình thực tiễn. Các phân đội cấp cứu luôn trong tư thế sẵn sàng. Bệnh viện chủ động thu dung điều trị người bệnh, đảm bảo kênh khám chữa bệnh cho những bệnh nhân thông thường với tinh thần “Không để lại ai phía sau trong cơn đại dịch”; thành lập tổng đài 19001175 để tư vấn cho tất cả các đối tượng cần sự hỗ trợ trong điều kiện giãn cách nghiêm ngặt; chi viện hàng ngàn lượt nhân viên cho y tế TP Hồ Chí Minh và các  bệnh viện dã chiến.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng tôi tổ chức thành lập phòng khám tiền phương và xét nghiệm bắt buộc để chủ động ứng phó, đồng thời tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thành lập bệnh viện dã chiến truyền nhiễm tại Bệnh viện Quân y 175. Chỉ sau 48 giờ, bệnh viện dã chiến đã đi vào hoạt động và dần nâng cấp lên 200-350-500 giường bệnh. Tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và TP Hồ Chí Minh về việc hậu sự cho bệnh nhân Covid-19 tử vong. Trong thời điểm đó, bối cảnh đó, việc lo hậu sự cho người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng…

Bệnh viện đã triển khai nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật điều trị, giảm tỷ lệ tử vong; thực hiện cấm trại và chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên tham gia phòng, chống dịch. “Phiên chợ 0 đồng”, “Đi chợ giùm bạn”… là những mô hình hiệu quả giúp đỡ cho các gia đình không có điều kiện, đảm bảo cuộc sống để lực lượng tuyến đầu an tâm chống dịch.

Ngay từ đầu năm 2020, trước tình hình khó khăn của các bạn quốc tế, bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho CHLB Đức, Nhật, Ấn Độ… các trang thiết bị phòng, chống dịch. Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ của Vietnam Airlines, những chuyến hàng của chúng ta đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.

Tháng 8-2021, khi TP Hồ Chí Minh bước vào đỉnh dịch, khó khăn nhất thì chúng ta cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ bạn bè quốc tế, trang thiết bị, vaccine, kit test, kể cả những quả phổi ECMO…

Trong gian khổ, hiểm nguy, sự quả cảm của các đồng chí, đồng nghiệp trẻ khiến tôi hết sức xúc động và cảm phục. Hình ảnh 20 nhân viên Bệnh viện Quân y 175 tăng cường cho Bệnh viện dã chiến số 7 của TP Hồ Chí Minh khi bị nhiễm bệnh, Ban giám đốc đã quyết định đưa về điều trị nhưng các đồng chí đã kiên quyết xin ở lại, không rời vị trí chiến đấu. Đồng đội tự chăm sóc nhau và chăm sóc bệnh nhân. Hình ảnh các chiến sĩ trẻ xông pha, tận hiến trong tâm dịch. Hình ảnh những cá nhân, đơn vị hiến máu trong đại dịch, những giọt máu đào khan hiếm đã được chúng tôi san sẻ cho nhiều đơn vị y tế, đã lan tỏa niềm tin, lan truyền sức mạnh, gây xúc động sâu sắc trong đời sống xã hội.

Ngày chung đôi-Lễ cưới tập thể cho 20 cặp uyên ương như là cái kết có hậu, là sự ghi nhận những cống hiến, hy sinh đầy chất nhân văn. Một đêm lễ hội lãng mạn, xúc động, sâu đậm tình người. Hình ảnh của Bệnh viện Quân y 175 với những dấu ấn đặc biệt ấy đã được nhà thiết kế Minh Hạnh thể hiện trên những mẫu áo dài…

 Các cặp vợ chồng trẻ trong lễ cưới tập thể “Ngày chung đôi”.

PV: Nhắc đến những câu chuyện lãng mạn, nhân văn, không thể không nói đôi chút về âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, 17 tuổi trở thành người lính và được đào tạo trở thành bác sĩ Quân y, mang trên mình hai màu áo. Nhiệm vụ của một thầy thuốc quân y đã cho tôi cơ hội đến với âm nhạc. Tính chất công việc giúp tôi được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thực tiễn cuộc sống, được gặp gỡ nhiều số phận… Tôi đã chuyển hóa những cảm xúc ấy thành giai điệu và ca từ. Các ca khúc của tôi như là một cuốn nhật ký ghi lại hành trình đời binh nghiệp, nghề nghiệp, mỗi ca khúc là một câu chuyện có thật, hoàn cảnh thật, con người thật và cảm xúc thật.. Âm nhạc xoa dịu nỗi đau tâm hồn, y học chữa lành nỗi đau thể xác… Tôi thấy mình thực sự hạnh phúc khi được làm cả hai việc ấy.

PV: Không làm công tác quản lý, chỉ huy nữa, công việc hiện nay của ông thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn: Tôi có nhiều thời gian hơn cho những công việc chuyên môn, đặc biệt là công tác đào tạo thế hệ trẻ ngành y. Nghề y là một nghề đặc biệt, giảng dạy trong ngành y cũng có tính đặc thù. Ngày 20-11 vừa rồi các học trò hát tặng tôi bài “Bụi phấn”, tôi vô cùng xúc động. Gần 30 năm tham gia công tác giảng dạy, từ giường bệnh nhân lên giảng đường, từ bệnh viện ra các nhà trường, đơn vị, biết bao nhiêu thế hệ học sinh, biết bao nhiêu khó khăn gian khổ nhưng cứ nói đến tình nghĩa thầy trò thì tất cả lại tràn về với biết bao cung bậc cảm xúc...

PV: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với độc giả Báo Quân đội nhân dân Điện tử!

 MINH ANH (thực hiện)