Thiếu những cơ sở đào tạo sơ cấp cứu

Thạc sĩ Trịnh Hương Ly - Quản lý điều hành - CEO của Công ty cổ phần dịch vụ Wellbeing (Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing) cho biết: Ở Việt Nam, khi nhắc tới tình trạng sơ cấp cứu có thể hình dung bằng câu tục ngữ “nước đến chân mới nhảy”. Mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của nó, nhưng chỉ đến khi một sự việc xảy ra hoặc chính bản thân họ trải qua một sự kiện khẩn cấp thì họ mới bắt đầu nghĩ đến việc phải học, phải trang bị kỹ năng. Hoặc một số người khác lại mang suy nghĩ rằng trường hợp đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình”.

Một số người do điều kiện tài chính không cho phép hoặc do lịch trình công việc, học tập bận rộn nên khó có thể sắp xếp những buổi học về kỹ năng sơ cấp cứu.

Chị Trần Phương Thảo (42 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thường để dành tiền và thời gian cho con học các môn văn hóa, thay vì những khóa học kỹ năng bởi tôi cảm thấy vấn đề này chưa quá cấp thiết, lúc nào các con hoặc gia đình có thời gian rảnh thì học sau cũng được”.

Việc thiếu những cơ sở đào tạo hay những buổi ngoại khóa giáo dục về kỹ năng này trên trường lớp cũng là một lý do khiến việc trang bị cho bản thân hiểu biết về sơ cấp cứu trở nên khó khăn.

Em Trần Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ: Thực ra em không có nhiều kiến thức về những kỹ năng sơ cấp cứu. Do ở trên trường, lớp, bọn em học chủ yếu là các môn văn hóa trong chương trình chứ không có hoạt động ngoại khóa hay môn tự chọn về những kỹ năng này. Vì thế nên khi nghe những kiến thức về sơ cấp cứu, em cảm thấy rất mới lạ và cũng muốn được trang bị cho mình phòng những lúc cần tới".

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Lớp học sơ cứu cho trẻ em. 

Người dân chủ động trang bị kiến thức sơ cấp cứu ban đầu 

Chính vì mọi người mang tâm lý chủ quan, thiếu chuẩn bị nên khi gặp những trường hợp khẩn cấp, cần sơ cứu thì thường lâm vào tình trạng hoang mang, không biết xử lý tình huống. Điều này dẫn đến những hậu quả khôn lường tới tình trạng của người bệnh, thậm chí là tử vong do không được sơ cứu kịp thời hoặc sơ cứu sai cách. 

Bác sĩ Hoàng Quang Cường (Khoa Gây mê và Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) khuyến cáo người dân chủ động trang bị kiến thức sơ cấp cứu ban đầu: Sơ cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với nhân viên y tế mà còn với cả người dân. Việc nắm vững các kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu ban đầu có thể giúp mọi người tự cứu bản thân và những người xung quanh trong các tình huống bất ngờ.

Điển hình ở những người cao tuổi, họ thường mắc các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, tiểu đường, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Hay đối với gia đình có trẻ em, dị vật đường thở là một tình huống khẩn cấp thường gặp mà nếu như không được sơ cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vòng vài phút do não thiếu ôxy. Trong những trường hợp khẩn cấp như thế, nếu người dân không có hiểu biết cơ bản về sơ cấp cứu, chúng ta có thể không giúp được người bệnh trong thời gian vàng cấp cứu, làm giảm khả năng cứu chữa hiệu quả”.

Câu chuyện vào cuối tháng 3 năm nay của chị Đặng Thị Hạ - điều dưỡng viên của Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, đã thành công cứu sống một người đàn ông ngoại quốc là một trong những minh chứng rõ nhất cho tầm quan trọng của sơ cấp cứu ban đầu. Cụ thể, trong khi đang ăn tối tại một nhà hàng, một người đàn ông bất ngờ choáng váng, ngã quỵ xuống đất và mất ý thức. Ngay sau đó, chị Hạ đã kịp thời tiếp cận và thực hiện ép tim cấp cứu cho người bệnh. Sau vài chục lần ép tim ngoài lồng ngực theo chu kỳ thì bệnh nhân có ý thức trở lại, ổn định chức năng sống và được xe Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở địa phương.

Khi xảy ra tình trạng ngừng tim cần nỗ lực hồi sức cấp cứu ngay lập tức, vì tim ngừng đập sẽ dẫn đến tử vong chỉ trong vòng vài phút. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi không được phát hiện và cấp cứu ngừng tim kịp thời. Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn e ngại thực hiện sơ cấp cứu trong những trường hợp như vậy do chưa được đào tạo, hướng dẫn, chưa biết cách tiến hành cấp cứu.

leftcenterrightdel

Bác sĩ Hoàng Quang Cường, Khoa gây mê và hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.  

Tích cực tham gia các lớp học về sơ cấp cứu

Bác sĩ Hoàng Quang Cường đưa ra lời khuyên: "Mọi người hãy tích cực tham gia các lớp học về sơ cấp cứu để có thể kịp thời cứu chữa cho người bệnh và giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng của các tai biến y khoa. Vì an toàn không phải ngẫu nhiên, an toàn là kết quả của sự chuẩn bị trước mọi tình huống”.

Để kỹ năng sơ cấp cứu được phổ cập rộng rãi hơn, đặc biệt là với các em học sinh, Thạc sĩ Trịnh Hương Ly đưa ra một số đề xuất:Tôi khuyến khích nên đưa việc học sơ cứu vào chương trình học tập trên lớp, hoặc học tập trung theo từng đơn vị nhỏ. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, các chuyên gia nên lấy học sinh làm trung tâm và lắng nghe ý kiến và nhu cầu của các em. Hầu hết các em học sinh đều có xu hướng thích các tiết học mang tính thực hành cao nên tôi thấy đây là một phương pháp giảng dạy rất hiệu quả nhằm cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng.

“Em sẵn sàng tham gia những khóa học sơ cấp cứu nếu trường có tổ chức nhưng đáng tiếc, ở khu vực em sinh sống, mọi người chưa dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề này cũng như không có nhiều cơ sở đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu. Bên cạnh đó, nếu thuê hay đăng ký khóa học cá nhân, em cũng chưa có đủ điều kiện về thời gian và kinh phí. Em mong trường sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa về sơ cấp cứu sau giờ học và sẽ có thêm những cơ sở giáo dục - đào tạo kỹ năng này”, em Quỳnh Trang bày tỏ mong muốn.

Bài, ảnh: PHAN LÊ TRÀ AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.