Cuộc chiến thầm lặng không tiếng súng với "giặc Covid-19" qua chiếc khẩu trang, áo bảo hộ, vaccine... của những chiến binh mặc đồ màu trắng có mặt trên khắp "chiến trường" trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chăm sóc bệnh nhân Covid-19. 

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia đang cùng với các trung tâm y tế, bệnh viện điều trị Covid trên cả nước, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid giúp giảm bớt gánh nặng y tế trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay. Là một thành viên trong ngôi nhà chung bệnh viện thuộc Ban Công tác xã hội với nhiệm vụ hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế, tôi được giao trọng trách đặc biệt là thăm hỏi, động viên tinh thần các anh chị nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ tại Khoa Truyền nhiễm A4C chăm sóc toàn diện cho người bệnh bị nhiễm Covid-19.

Tôi biết ngành y tế đang rất vất vả giữ vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu, đối mặt với vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Các nhân viên y tế đã phải thực hiện cùng một lúc nhiều nhiệm vụ, nhiều giải pháp, tham mưu cho Đảng, Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo đất nước trước dịch bệnh. Nhưng tận mắt chứng kiến những vất vả mà các y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng đang trải qua, chia sẻ với họ những tâm tư tình cảm qua điện thoại, sự ngưỡng mộ kính trọng với ngành y nói chung và của các anh chị nhân viên y tế nói riêng nhân lên gấp bội. Họ đang thực hiện mệnh lệnh đặc biệt của đất nước đó là mệnh lệnh trái tim hết mình cứu chữa người bệnh, nhất là những bệnh nhân Covid-19 đang sợ hãi, vật lộn chiến đấu với bệnh mà không người thân bên cạnh.

Tranh thủ những phút giải lao ít ỏi của chị Dung, điều dưỡng viên Khoa Quốc tế tham gia lực lượng tăng cường tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19, tôi đã nhìn thấy nỗi nhớ đong đầy trong đôi mắt của chị. Đã gần hai tháng kể từ khi kíp chị vào khu điều trị, đa phần là nữ, phải xa chồng con, đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, nhưng khi nhìn thấy người bệnh, các anh chị đều cố gắng hết sức giành lại sự sống cho họ. Chị tâm sự: “Đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, không chỉ mình kíp của chị vất vả, mà còn rất nhiều y sĩ, bác sĩ ngoài kia cũng đang gồng mình chống dịch. Ngành y tế là thế, một khi đã chọn công việc cứu người thì mình phải tâm huyết với nó. Đó là sợi dây trách nhiệm, là bổn phận vì nhân dân phục vụ phát ra từ chính trái tim “lương y như từ mẫu”.

Chia sẻ với tôi, chị Dung cho biết thêm trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, mọi sinh hoạt của nguời bệnh phải nhờ vào sự hỗ trợ của điều dưỡng. Các chị phải thực hiện chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân như tự tay bón từng thìa cháo, miếng cơm, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh. Thậm chí phải giúp người bệnh vệ sinh, tắm rửa. Mỗi bệnh nhân là mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi nhiễm Covid-19, họ cùng chung một tâm lý đó là sợ hãi và cô đơn. Hiểu được điều đó, các y sĩ, bác sĩ một lần nữa trở thành người bạn và là nhịp cầu kết nối bệnh nhân với gia đình họ.

Chị Dung không giấu nổi niềm xúc động xem lẫn tự hào khi kể cho tôi nghe về những ca bệnh nặng được cấp cứu điều trị thành công. Có những ca bệnh nặng, các bác sĩ đã giải thích với gia đình chuẩn bị tâm lý. Cứ ngỡ “sinh ly tử biệt” nhưng nhờ sự tận tâm, tận lực của các y sĩ, bác sĩ mà nhiều bệnh nhân đã “từ cõi chết trở về”. Đứng nhìn qua vách ngăn, nơi điều trị bệnh nhân Covid tại viện, đường dây chắn đỏ với tấm bảng “khu vực cách ly” mà hằn lên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, với bệnh nhân nhiễm Covid-19, hành trình vượt qua cơn bạo bệnh sẽ chẳng giống ai vì mỗi người có một sức khỏe và thể trạng khác nhau, nhưng điểm tựa duy nhất giúp vượt lên trên nỗi đau của bệnh tật đó là sự chia sẻ, là tình yêu thương của các thầy thuốc đối với người bệnh.

Phép màu không tự nhiên mà đến. Phép màu đó chính là sự cố gắng của cả tập thể y sĩ, bác sĩ và sự kiên cường của khát vọng sống của mỗi bệnh nhân.

Bài và ảnh: TRẦN THÙY LINH (Ban Công tác xã hội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)