Vaccine SXH Qdenga được chỉ định cho các đối tượng từ 4 tuổi trở lên, không phân biệt người đã từng hoặc chưa mắc bệnh bao giờ, tức là không cần phải xét nghiệm trước khi tiêm. Dự kiến, vaccine SXH sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước bắt đầu từ tháng 9-2024. Vaccine SXH mà Việt Nam phê duyệt cũng đã được cấp phép ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Indonesia, Thái Lan và Malaysia... Vaccine cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina. 

leftcenterrightdel
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: PHONG LAN 

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, hiện nay SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi tránh trở nặng. Virus gây bệnh thường tạo thành các đợt dịch với số lượng bệnh nhân lớn, dẫn đến tăng tỷ lệ trở nặng. Việc sử dụng vaccine SXH giúp giảm số ca mắc bệnh và tử vong ở cả trẻ em và người lớn. Đây cũng là biện pháp bền vững, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng y tế dự phòng và điều trị. Hệ thống tiêm chủng VNVC đã đàm phán, nỗ lực sớm đưa loại vaccine quan trọng này về phục vụ người dân.

SXH là một bệnh do virus lây truyền qua muỗi và gây ra nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe người dân toàn cầu khi lưu hành ở hơn 125 quốc gia. Cùng với sự biến đổi khí hậu, dịch SXH ngày càng gia tăng gây áp lực, quá tải cho các cơ sở y tế trong nước. Năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 172.000 ca mắc SXH, 43 người trong đó đã tử vong. Đây cũng là năm đầu tiên số ca mắc SXH tại Hà Nội cao gấp đôi so với TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 ca SXH, trong đó có 1 ca tử vong. Dịch SXH tại Việt Nam do cả 4 tuýp huyết thanh gây ra, một người có thể mắc SXH 4 lần, với các tuýp khác nhau. Sau nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời với tuýp đã nhiễm, việc nhiễm sau đó với bất kỳ loại tuýp huyết thanh nào còn lại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh SXH thể nặng.

Theo các chuyên gia dịch tễ, dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp với số lượng người bệnh ở mức cao và có thể gây quá tải hệ thống y tế vào những tháng đỉnh dịch. Chính vì vậy cần sự vào cuộc của người dân và các ban, ngành, đoàn thể chung tay phòng, chống dịch SXH. Trong khi chờ vaccine phòng bệnh SXH có mặt tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị, hiện biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh. Người dân nên ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, vợt điện để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

DIỆP CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.