Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hà Nội, tính đến hết ngày 15-1, toàn thành phố có 59.795 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly; trong đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 130 người, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 218 người, tại các bệnh viện của Hà Nội là 3.411, cơ sở thu dung, điều trị thành phố là 1.347 người, cơ sở thu dung quận, huyện là 5.722 người và 48.967 người theo dõi cách ly tại nhà. Tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29-4-2021 đến nay là 337 người. Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Vũ Cao Cương chia sẻ, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát...

Sở Y tế TP Hà Nội hiện đang nỗ lực tập trung quản lý tốt bệnh nhân Covid-19, hạn chế chuyển tầng. Sở Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, theo dõi tiến độ hằng ngày; tiếp cận tích cực hơn nữa bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Hiện các địa phương của Hà Nội cũng đang khẩn trương triển khai tiêm vaccine tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, người có bệnh nền; đặc biệt là việc tiếp tục vận động xã hội hóa hỗ trợ bình oxy cho công tác điều trị. Các trung tâm y tế của Hà Nội đã cấp phát 17.795 liều Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà. Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cũng thông tin, thành phố đã cấp phát hơn 51.000 túi thuốc A đến tận nhà các F0. Túi thuốc B hiện đã chuẩn bị đủ cơ số theo quy định tại tủ thuốc của các trạm y tế. Sở Y tế thành phố đã cấp 39.245 liều túi thuốc C, hiện đã sử dụng 26.795 liều.

Diễn biến của dịch tại Hà Nội đang phức tạp và cần sự chung tay của các ngành, các cấp trung ương và Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch. Ảnh minh họa / TTXVN. 

Hiện Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với đợt dịch thứ tư với những diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", các lực lượng chức năng và người dân đang nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh, tập trung đông người, tại khu tập thể, chung cư, khu công nghiệp và các làng nghề... Ngành y tế Thủ đô đã đề nghị Bộ Y tế giao các bệnh viện của Trung ương chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện tuyến thành phố và tuyến dưới của Thủ đô cả về tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 (nặng, nguy kịch) lẫn đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn về hồi sức tích cực, lọc máu, kiểm soát nhiễm khuẩn... Đồng thời kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19...

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, các bệnh viện Trung ương và bệnh viện tầng 3 của Hà Nội được giao nhiệm vụ hỗ trợ tuyến dưới cần thực hiện theo mô hình "Bệnh viện chị-Bệnh viện em", không chỉ hỗ trợ bệnh viện tầng 2 mà còn cả tầng 1 và trạm y tế lưu động theo hình mạng lưới để có thể chủ động trong hỗ trợ. Về đề xuất của Hà Nội liên quan đến việc tập huấn chuyên môn điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm đầu mối, trao đổi kỹ với Hà Nội về nhu cầu cụ thể để Bộ Y tế phân công cho các bệnh viện Trung ương đảm nhiệm, kể cả tập huấn trực tiếp lẫn trực tuyến khoa học, hiệu quả. Được biết, thời gian qua, ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân nặng của Hà Nội, một số bệnh viện khác như Bệnh viện Bạch Mai đã đào tạo hơn 1.000 cán bộ y tế của Hà Nội, hỗ trợ quận Đống Đa triển khai thiết lập và vận hành các trạm y tế lưu động; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cử 18 bác sĩ xuống hỗ trợ quận Hoàn Kiếm điều trị Covid-19... 

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, với Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung nhân lực y tế cho phòng, chống dịch, cho các trạm y tế lưu động, cho điều trị bệnh nhân, những việc hành chính cần huy động các lực lượng khác đảm nhiệm, đồng hành với ngành y tế. TP Hà Nội cũng cần nghiên cứu thiết lập khu vực chăm sóc giảm nhẹ dành cho các đối tượng quá cao tuổi, bệnh nền rất nặng, phục vụ các gia đình có nguyện vọng chăm sóc giảm nhẹ cho người thân. Đồng thời, công tác phối hợp liên tầng để chuyển bệnh nhân cần chặt chẽ hơn nữa, tránh bệnh nhân lên tuyến trên không cần thiết nhưng cũng có tình trạng chủ quan, khiến bệnh nhân chuyển đến tầng 3 muộn. Liên quan đến công tác thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế giao các đơn vị liên quan của Bộ Y tế báo cáo lãnh đạo bộ cụ thể để bộ trao đổi với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và báo cáo lên Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị bắt tay vào việc luôn để làm sao hỗ trợ Hà Nội được nhiều nhất, nhanh nhất.

DIỆP CHÂU