Tổng quỹ BHYT chi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đến nay chiếm tới 25% nguồn lực trong nước. Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam cần có giải pháp bảo đảm nguồn lực trong phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. 

“Phao cứu sinh” cho người có H

Anh NTH (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) là người có H và đã sử dụng thuốc kháng virus (ARV) từ 10 năm nay. Anh chia sẻ: “Trước năm 2019, tôi được điều trị bằng thuốc ARV từ các nguồn tài trợ và hoàn toàn miễn phí. Đến năm 2019, thuốc phải chuyển sang thanh toán bằng nguồn BHYT. Do được tuyên truyền kỹ về lợi ích của việc mua BHYT nhằm tiết kiệm được các khoản chi phí điều trị rất lớn nên tôi đã chủ động mua BHYT. Đối với những người như chúng tôi, việc sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT sẽ bảo đảm được liệu trình điều trị, vơi bớt nỗi lo về kinh tế”.

Tương tự, chị MH (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cũng được BHYT chi trả chi phí điều trị và thuốc ARV. Do gia đình chị MH thuộc diện hộ nghèo nên được ưu tiên cấp BHYT. Chị MH tâm sự: “Từ ngày 8-3-2019, thẻ BHYT không chỉ giúp tôi tiết kiệm chi phí điều trị các loại bệnh thông thường mà cả nguồn thuốc ARV. Từ đó đến nay tôi rất yên tâm điều trị. Cũng nhờ vậy, sức khỏe của tôi được cải thiện rõ rệt”.

leftcenterrightdel
Bệnh nhân nhiễm HIV được khám, điều trị bằng bảo hiểm y tế. 

Theo các chuyên gia dịch tễ, HIV/AIDS là bệnh mạn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời với chi phí rất lớn. Việc điều trị sớm và tuân thủ điều trị sẽ giúp người nhiễm HIV sống lâu, khỏe mạnh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Thực tế cho thấy, nhờ tham gia BHYT, thời gian qua nhiều bệnh nhân HIV/AIDS đã được điều trị liên tục và hiệu quả. Nhờ đó, nhiều người đã có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng, sức khỏe ổn định, tiếp tục làm việc, sống khỏe.

Để đạt mục tiêu 100% người mắc HIV có thẻ BHYT, thời gian qua các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động như tăng cường tuyên truyền, tư vấn người nhiễm HIV tự tham gia BHYT; tạo điều kiện để người nhiễm HIV không phải mua thẻ BHYT cùng thời điểm với tất cả thành viên hộ gia đình. Bên cạnh đó, rà soát người nhiễm HIV cần hỗ trợ mua thẻ BHYT và bảo đảm ngân sách địa phương hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV...

Nguồn tài chính bền vững trong điều trị HIV/AIDS

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức về bảo đảm nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình. “Nguồn lực huy động dự kiến giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.

Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tình hình dịch vẫn có xu hướng phức tạp. Số người nhiễm HIV được báo cáo tăng cao trong 3 năm trở lại đây với hơn 13.000 trường hợp. Nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới. Một số tỉnh, khu vực vẫn còn nhiều nguy cơ cao về bùng phát dịch trở lại như: Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ. Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV mà hiện nay quỹ BHYT không chi trả. Quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, theo kế hoạch, 100% địa phương phải xây dựng và phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2021. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 12 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt kế hoạch này. Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã đề nghị 12 địa phương này khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Chia sẻ với báo chí, PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cũng khẳng định, Quỹ BHYT là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia BHYT, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Quỹ BHYT đến nay chi trả trung bình 400 tỷ đồng/năm, trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, 200 tỷ đồng cho thuốc ARV nâng tỷ trọng của Quỹ BHYT trong tổng chi cho HIV/AIDS tăng từ 4% lên tới 9%, chiếm tới 25% nguồn lực trong nước cho HIV.

Cục trưởng Phan Thị Thu Hương cũng nhấn mạnh BHYT luôn là một trong các giải pháp tài chính bền vững, bảo đảm cho người dân được khám bệnh, chữa bệnh, được bảo vệ khỏi các rủi ro về tài chính do các chi phí y tế. Ðối với những người nhiễm HIV/AIDS, BHYT càng trở nên quan trọng trong việc bảo đảm cho người nhiễm được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm bớt chi phí điều trị bệnh.

Bài và ảnh: HÀ VŨ