Dịch sốt xuất huyết phức tạp từ đầu mùa mưa
Khác với các năm trước, SXH năm nay có diễn biến phức tạp hơn do số ca nhập viện tăng cao so với cùng kỳ năm 2024, nhiều ca nhiễm nguy kịch xuất hiện ngay từ những tháng đầu mùa mưa. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2025 đến hết tuần 26, tổng số ca SXH tích lũy trên toàn thành phố lên đến 10.262 ca, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng trong tuần 26 (từ ngày 23 đến 29-6), số ca mắc mới ghi nhận 645 trường hợp, tăng 60,4% so với trung bình 4 tuần trước đó, cho thấy xu hướng gia tăng nhanh chóng, đáng lo ngại, số ca mắc SXH mới và nặng đều tăng vượt trung bình nhiều năm, với mức tăng hơn 100%.
Không chỉ số ca mắc tăng nhanh, các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn liên tục tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng sốc SXH nặng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc đang điều trị nhiều trẻ em trong tình trạng sốc SXH nặng, mất máu nghiêm trọng, rối loạn đông máu, đe dọa đến sinh mạng của bệnh nhi. Thống kê cho thấy, Bệnh viện ghi nhận 108 ca sốc SXH trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 94,74% so với năm 2024. Điển hình có bệnh nhi nữ 12 tuổi từ tỉnh Trà Vinh cũ (nay là tỉnh Vĩnh Long), nhập viện trong tình trạng đặc biệt nguy kịch bị suy hô hấp, trụy tim mạch, xuất huyết nghiêm trọng. Có thời điểm, bé phải truyền gần 10 lít máu và các chế phẩm máu trong vòng 24 giờ để giữ sức sống.
 |
Trẻ em điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh do Bệnh viện cung cấp |
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 6-2025, Bệnh viện điều trị nội trú cho 92 trẻ em mắc SXH, trong đó có 19 ca nặng. Trong cao điểm mùa dịch, Bệnh viện cũng vừa cứu sống một bệnh nhi 4 tuổi tại tỉnh Bình Dương cũ (nay là TP Hồ Chí Minh). Khi chuyển đến Khoa Hồi sức nhiễm, bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch: Suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, trụy mạch kéo dài, tổn thương tim, gan, men gan tăng gấp 30 lần, men tim tăng 200 lần, rối loạn đông máu nghiêm trọng và diễn tiến suy thận. Bác sĩ phải khẩn cấp cho bé thở máy, chọc dẫn lưu ổ bụng. Bù dịch chống sốc, truyền máu và thuốc trợ tim, thuốc vận mạch, tiến hành lọc máu ngay sau đó.
Ths, BS Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) nhận định: “Hiện nay, dịch SXH diễn biến khá phức tạp, nhất là ở các tỉnh Nam Bộ. Nếu trước đây, chu kỳ dịch bùng phát với số ca mắc cao thường cách nhau khoảng 5 năm thì hiện nay, chu kỳ này chỉ khoảng 2 năm. Nguyên nhân do kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa, di cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền diễn ra mạnh mẽ, là điều kiện khiến dịch SXH gia tăng. Đặc biệt, những khu vực có công trình đang xây dựng dễ phát sinh muỗi, những nơi nắng nóng, mưa nhiều làm muỗi sinh sôi nhanh có nguy cơ bùng phát dịch rất cao”.
Chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực điều trị
TP Hồ Chí Minh là một trong những điểm nóng của dịch SXH trên cả nước, dự báo trong năm nay sẽ diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành y tế phải chủ động hơn nữa trong truyền thông, điều trị và huấn luyện. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tham mưu với UBND thành phố triển khai kế hoạch tháng cao điểm phòng, chống dịch bệnh năm 2025 và Kế hoạch số 5281/KH-SYT của Sở Y tế về tổ chức thực hiện chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống SXH Dengue” lần thứ 15. Kế hoạch tập trung vào các biện pháp tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, nâng cao nhận thức cộng đồng, phát hiện sớm triệu chứng, tăng cường vai trò của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể, thường xuyên dọn dẹp vật dụng chứa nước, ao tù, nước đọng dễ phát sinh lăng quăng gây tán phát mầm bệnh.
Mùa mưa năm nay còn kéo dài đến tháng 11 và được dự báo số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng. Do đó, ngành y tế tại TP Hồ Chí Minh cần tập trung nguồn lực, nhân lực để chuẩn bị cho cuộc chiến phòng, chống dịch. BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho hay: “Bệnh viện đã triển khai các phương án nhằm đối phó trong mùa cao điểm SXH như: Tập huấn, nâng cao kiến thức để có thể phát hiện bệnh sớm và nhanh chóng đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp cho đội ngũ y, bác sĩ; sẵn sàng trang thiết bị y tế bảo đảm xử trí kịp thời các ca nặng, nguy kịch; đặc biệt khi bệnh nhi trở nặng sẽ có trang thiết bị để truyền máu, truyền huyết tương, cung cấp máu...; phối hợp cùng các bệnh viện khác để xử lý, chuyển tuyến kịp thời với những bệnh nhi trở nặng”.
PGS, TS, BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ: “Ngay từ tháng 5, Bệnh viện đã tập huấn điều trị và chẩn đoán SXH cho một số bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, sau đó sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long. Ca bệnh SXH có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Ngược lại, khi để bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, việc cứu chữa sẽ rất khó khăn và tốn kém”.
Trong phòng ngừa SXH, người dân cần tránh tình trạng tâm lý “có bệnh mới chữa”, thay vào đó cần chủ động phòng SXH, chặn đứng nguy cơ bùng dịch thông qua vaccine. BS CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC thông tin, Việt Nam hiện đã có vaccine ngừa SXH Qdenga (Takeda, Nhật Bản), chỉ định cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Hiệu quả bảo vệ của vaccine lên đến 80,2% và ngăn nguy cơ nhập viện tới 90,4%. Lịch tiêm 2 liều cách nhau 3 tháng, được tiêm cho cả người đã mắc hoặc chưa từng mắc bệnh, người mắc SXH lần sau có nguy cơ trở nặng hơn nên vẫn cần tiêm phòng để ngừa tái phát, không cần xét nghiệm trước khi tiêm. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước khi mang thai tốt nhất 3 tháng hoặc tối thiểu 1 tháng.
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nêu: “Bệnh SXH tuy lưu hành đã lâu nhưng đến nay không có phương pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu phát hiện sớm và điều trị các triệu chứng. Chính vì thế, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh, kiểm soát vector lây truyền bệnh, giám sát chặt chẽ bệnh. Đồng thời, chúng ta cũng cần bắt nhịp xu hướng chung trên mạng xã hội để phủ rộng hiệu quả lan tỏa tuyên truyền, như mở những buổi livestream trò chuyện, giúp cung cấp thông tin, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến mọi người”.
Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.