Chủ trì hội thảo chuyên đề “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19” gồm các đồng chí: Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh và bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam.
 |
Toàn cảnh phiên hội thảo chuyên đề về phát triển chuỗi cung ứng lao động. |
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập, những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19, hoàn thiện pháp luật nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19, vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, việc làm thỏa đáng thích ứng điều kiện bình thường mới sau đại dịch Covid-19, phát triển việc làm trong điều kiện nền kinh tế số, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội đối với lao động phi chính thức trong điều kiện thích ứng đại dịch Covid-19 và nền kinh tế chuyển đổi số…
Để bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng lao động sau đại dịch Covid-19 giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế, các tham luận, ý kiến trao đổi tại hội thảo đã hiến kế nhiều giải pháp có ý nghĩa thực tiễn từ đòi hỏi cuộc sống. Các nhóm giải pháp nhằm phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại đại dịch trước hết là cần đổi mới tư duy, nhận thức về lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi trọng phát triển thị trường lao động là nền tảng trụ cột của nền kinh tế, trong đó chú trọng cả nguồn cầu, nguồn cung, chất lượng nhân lực và bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định.
 |
Các chuyên gia trao đổi, tương tác với đại biểu tham gia hội thảo về giải pháp bảo đảm cung ứng lao động sau dịch Covid-19. |
Để thúc đẩy phát triển nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế cần phải có các biện pháp toàn diện cho thị trường lao động, tư duy quản trị lao động phải toàn diện gồm cả lao động chính thức và phi chính thức. Bên cạnh đó, các cấp cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường lao động bảo đảm chất lượng, đồng bộ với hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp bảo đảm môi trường an toàn vệ sinh lao động, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Các tham luận cũng kiến nghị giải pháp cần bảo đảm sự tập trung, thống nhất, có sự phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về lao động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan từ Trung ương đến cơ sở. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu báo cáo và chế độ báo cáo liên quan đến quản lý lao động, việc làm hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động gắn với cơ sở dữ liệu dân cư, an sinh xã hội… Một số tham luận đề cập đến vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, đã bày tỏ kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội… phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập, bảo đảm quyền lợi tối đa cho người lao động.
Tin, ảnh: HÙNG KHOA