Tại Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Nội... nhiều cây xanh bị gãy, đổ; cột điện, mái tôn, biển quảng cáo bị quật gãy; nước ngập trên nhiều tuyến đường của các địa phương khiến giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, đã có người chết, bị thương do bị cây đổ đè vào...
*Thái Bình, Nam Định, Hà Nam mất điện hoàn toàn
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sáng 28-7, do ảnh hưởng của bão số 1 (tên quốc tế Mirinae) đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ đã gây mất điện hoàn toàn tại các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam.
Tỉnh Ninh Bình mất điện khu vực ngoại thành, chỉ còn lại khu vực trung tâm thành phố Ninh Bình. Tại thành phố Hải Phòng, đã xảy ra sự cố với 62 lộ đường dây trung áp, ngành điện lực đã đóng điện lại 22 lộ. Tại tỉnh Bắc Ninh, có sự cố tại 11 lộ đường dây trung áp, đã đóng điện lại 6 lộ. Tại thành phố Hà Nội, có 99 lộ đường dây trung áp bị sự cố. Hiện tại, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đang triển khai toàn bộ nhân lực để kiểm tra và khắc phục các sự cố.
Bão cũng đã gây thiệt hại cho các đường dây truyền tải điện. Cụ thể, lúc gần 3 giờ 42 phút sáng ngày 28-7, đã xảy ra sự cố đường dây 500 kV Thường Tín - Nho Quan khi bão đổ bộ. Sự cố này đã được kịp thời khắc phục và đã đóng điện trở lại lúc 4 giờ 17 phút cùng ngày. Lúc 0 giờ 40 phút ngày 28-7-2016, xảy ra sự cố đường dây 220kV Ninh Bình - Bỉm Sơn, đến 1 giờ 15 cùng ngày đã đóng điện trở lại. Cùng với đó, có 21 lộ 110kV bị sự cố, hiện đã khôi phục 11 lộ; đến trưa 28-7, còn 10 đường dây 110kV đang vẫn đang tiếp tục được khắc phục.
Hiện nay, các đơn vị thuộc EVN đang tập trung toàn bộ nhân lực để kiểm tra, khắc phục nhanh nhất các sự cố do bão số 1 gây ra. Các nhà máy điện thuộc EVN vận hành bình thường, các hồ chứa thủy điện không xả lũ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Bộ Công Thương, từ ngày 26-7-2016, EVN đã ban hành Công điện thượng khẩn số 3061/EVN-AT, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong vùng ảnh hưởng của bão tổ chức ứng trực 24/24 giờ, tập trung nhân lực và phương tiện khắc phục ngay các thiệt hại của bão theo tinh thần “4 tại chỗ”.
Liên lạc với Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội), chúng tôi được biết, cơn bão đã gây thiệt hại tại 29 trạm biến áp phân phối, 70 vị trí cây đổ vào đường dây, làm nghiêng và đổ hơn 89 vị trí cột điện trung, hạ thế. Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã tập trung mọi nguồn nhân lực, vật lực khẩn trương khắc phục sự cố để bảo đảm cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.
Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân trong trường hợp nhà bị ngập nước cần cắt ngay cầu dao điện, aptomat tổng, rút phích cắm điện, đồng thời kê cao các thiết bị điện như máy bơm nước, quạt điện, nồi cơm điện... kiểm tra thiết bị thật khô ráo, bảo đảm tuyệt đối an toàn mới sử dụng. Nếu phát hiện thấy các hiện tượng bất thường như: Dây điện đứt rơi xuống, cây đổ vào đường dây điện, trạm điện; cột điện đổ, sứ vỡ, phóng điện, trạm điện bị ngập nước... người dân cần báo ngay cho Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (ĐT: 19001288 - 22222000), chính quyền hoặc công an địa phương. (QUANG HƯNG)
* Hà Nội: Bão số 1 làm một người chết và 5 người bị thương
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an thành phố Hà Nội, sáng 28-7, đơn vị đã huy động 100% lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông và giúp đỡ nhân dân khi đi qua các khu vực ngập úng, cây đổ, đảm bảo giao thông thông suốt.
Cũng theo PC67, do ảnh hưởng của bão số 1 đổ bộ với gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10, từ đêm 27 đến sáng 28-7, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 10 điểm ngập úng; 667 cây xanh bị đổ gây cản trở giao thông, trong đó 4 cây đổ vào xe ô tô, 2 cây đổ làm 5 xe mô tô bị hư hỏng, 3 cây đổ chắn ngang đường sắt; 2 cột điện đổ và 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố.
Theo thông tin ban đầu, bão số 1 với gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10 đã gây những hậu quả nghiêm trọng. Tại nhà ông Đặng Văn Đáng ở thôn An Mỹ, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên xảy ra đổ tường lan can tầng hai làm 1 người chết, 5 người bị thương.
Hàng loạt cây xanh trên địa bàn thành phố cũng bị gãy, đổ, trong đó nhiều cây xanh cỡ lớn trên phố Phạm Hồng Thái, Hàng Bún, Đội Cấn (quận Ba Đình); Tuệ Tĩnh, Kim Ngưu, Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông (Hai Bà Trưng); Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ (Đống Đa); Tràng Thi, Nguyễn Thái Học (Hoàn Kiếm), Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm), khu vực bờ sông Tô Lịch... bị gió mưa quật ngã.
Sáng 28-7, nhiều ô tô, xe máy trong quá trình di chuyển trên đường đã bị cây gãy đổ đè vào phương tiện. Trên phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), xe taxi mang biển kiển soát 30P-7548 bị một cây lớn đổ ngang đường đè trúng. Rất may trước đó lái xe đã ra khỏi phương tiện nên không có thiệt hại về người./.
Thái Bình: 2 người bị thương
Từ đêm 27-7 trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng ven biển cấp 10, giật cấp 10, cấp 13 kèm theo mưa lớn. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, đến 9 giờ ngày 28-7 đã có 2 người bị thương do bão, nhiều diện tích lúa bị ngập úng và mất điện trên diện rộng.
Thông tin ban đầu, 2 người bị thương là ông Nguyễn Cường (xã Bình Định, huyện Kiến Xương) và ông Tưởng Công Thái (xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư).
Lượng mưa từ chiều 27-7 đến 7 giờ ngày 28-7 ở Thái Bình khá lớn. Trong đó cao nhất đo được tại Thái Ninh (huyện Thái Thuỵ) là trên 300 mm, huyện Kiến Xương 261 mm, huyện Tiền Hải 214 mm, Quỳnh Côi (huyện Quỳnh Phụ) 163 mm. Mưa lớn và kéo dài đã khiến 39.300ha diện tích lúa bị ngập úng, nhiều nhất tại huyện Kiến Xương 10.000ha, Tiền Hải 9.000ha, Vũ Thư 7.500ha. Khoảng 1.900ha diện tích hoa màu bị dập nát tập trung tại huyện Vũ Thư với 1.600ha, Thành phố Thái Bình 300ha.
Cơn bão số 1 cũng gây ra sạt lở tại cống Láng Quai dài 4m ở hai bên mang cống, 25 phòng học tại huyện Vũ Thư và 2 nhà máy gạch tại huyện Thái Thụy bị tốc mái, 2 phòng học tại huyện Vũ Thư bị đổ; 36 cột điện bị đổ (Vũ Thư 25 cột điện cao thế, Thái Thụy 11 cột). Trên địa bàn tỉnh Thái Bình mất điện lưới từ 0 giờ ngày 28-7, đến nay sự cố này chưa thể khắc phục.
Ghi nhận tại thành phố Thái Bình sáng 28-7, hầu hết trên các tuyến đường như Lý Bôn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Quang Trung… đều có cây đổ, trong đó nhiều cây cổ thụ. Thống kê ban đầu tại thành phố Thái Bình đã có 9.000 cây đổ. (TTXVN)
Cột điện đổ trên phố Võ Thị Sáu (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Cây đổ tại phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh TTXVN
Cây đổ đè vào ô tô đi trên phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Cây xanh gãy đổ tại Hòa Bình.
Cây xanh trên đường Lê Lai, thành phố Thanh Hóa bị gãy đã quật ngã cột điện. Ảnh: TTXVN
Tuyến đường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình ngổn ngang do cây đổ. Ảnh: TTXVN
Người dân Thái Bình dọn dẹp sau bão. Ảnh: TTXVN
Tình trạng ngập úng tại phố Minh Khai, Hải Phòng. Ảnh: TTXVN
Bảng biển gãy đổ trên phố Lê Lợi, quận Ngô Quyền (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN
Cây xanh bị bật gốc trên phố Hồng Bàng, quận Hồng Bàng (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN
Thị trấn Cồn (Hải Hậu) sau cơn bão. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN