Theo đó, Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố năm học 2025-2026, với tỷ lệ thống nhất rất cao.
Thống kê cho thấy, hiện toàn thành phố có hơn 763.000 học sinh tiểu học, trong đó khoảng 502.000 em đang ăn bán trú (chiếm hơn 65%). 703/778 trường tiểu học trên địa bàn thành phố đang tổ chức ăn bán trú, đạt tỷ lệ 90,4%. Trong đó, tỷ lệ ở khu vực miền núi và bãi giữa sông Hồng là 86,36%; tại các khu vực còn lại là 90,48%.
Về cơ sở vật chất, khoảng 90% trường tiểu học đủ điều kiện tổ chức ăn bán trú cho toàn bộ học sinh.
 |
Quang cảnh Kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội khóa XVI. |
Theo UBND thành phố, mức thu tiền ăn hiện nay tại các trường công lập dao động từ 19.000–50.000 đồng/ngày, còn trường tư thục là từ 25.000–125.000 đồng/ngày. Bình quân, học sinh công lập đang đóng khoảng 30.000 đồng/ngày, còn học sinh tư thục là hơn 50.000 đồng/ngày.
Ước tính trong năm học 2024-2025, tổng kinh phí chi cho bữa ăn bán trú là hơn 3.074 tỷ đồng, trong đó khối công lập chiếm trên 2.520 tỷ đồng.
Theo đó, với chính sách hỗ trợ mới, Hà Nội kỳ vọng nâng tỷ lệ học sinh tiểu học ăn bán trú lên hơn 99%, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh và cải thiện chất lượng chăm sóc học sinh trong ngày học hai buổi.
Cụ thể, nghị quyết quy định hai mức hỗ trợ tùy theo địa bàn: 30.000 đồng/ngày cho học sinh tại các xã miền núi và xã thuộc bãi giữa sông Hồng; 20.000 đồng/ngày cho học sinh ở các địa bàn còn lại. Trường hợp mức tiền ăn thực tế cao hơn, phụ huynh sẽ tự chi trả phần chênh lệch.
Nghị quyết không áp dụng với học sinh đang học tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, bởi theo UBND thành phố Hà Nội, phần lớn học sinh tại các trường này là người nước ngoài hoặc đến từ các gia đình có điều kiện kinh tế cao, mức học phí và tiền ăn chênh lệch quá lớn so với mặt bằng chung.
Như vậy, dự kiến kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho 100% học sinh tiểu học năm học 2025-2026 khoảng 3.063 tỷ đồng; số đối tượng được hỗ trợ khoảng 768.000 học sinh (công lập khoảng 707.727 học sinh; tư thục khoảng 60.273 học sinh). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước theo phân cấp.
UBND thành phố Hà Nội khẳng định, chính sách này là cấp thiết trong bối cảnh học sinh tiểu học học hai buổi/ngày, có nhu cầu dinh dưỡng cao. Việc tổ chức bữa ăn đủ chất không chỉ đảm bảo sức khỏe cho học sinh mà còn giúp phụ huynh giảm áp lực đưa đón, yên tâm lao động sản xuất.
Tin, ảnh: THẾ TRUYỀN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.