Theo đó, Hà Nội phấn đấu hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 20.000 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80%; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn thành phố đạt 60% vào năm 2030. Chương trình này nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn đào tạo nghề với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh và phát triển kinh tế vùng.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch. Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đa dạng hình thức truyền thông, chú trọng vai trò của các cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; xây dựng chuyên trang về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
 |
Ảnh minh họa: qdnd.vn |
Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường thực hành, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; đào tạo lại, phân luồng học sinh hiệu quả. Đồng thời, thực hiện đổi mới, phát triển chương trình và phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng chương trình theo mô-đun, tín chỉ; đào tạo linh hoạt theo nhu cầu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hà Nội khuyến khích các đơn vị, địa phương hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huy động ngân sách, xã hội hóa, đầu tư thiết bị và cơ sở vật chất. Các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý; bồi dưỡng, nâng cao trình độ; khuyến khích nghệ nhân, người có kỹ năng nghề tham gia giảng dạy.
TẠ TUẤN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.