Sau học nghề, anh Nịnh Văn Ninh, xã Nâm Đ’nir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã sửa chữa được các loại máy nông nghiệp.

Cách đây 2 năm, anh Nịnh Văn Ninh (xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) tham gia lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp, nay anh đã trở thành thợ sửa chữa các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh Ninh cho biết: “Lớp học của anh có 30 học viên, phần lớn là người đồng bào dân tộc Dao. Từ lớp học, các học viên có thêm kiến thức để phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Không ít học viên có thêm nghề sửa chữa máy nông nghiệp, phục vụ nhu cầu người dân trong và ngoài xã Nâm N’Đir. Việc dạy nghề cho lao động nông thôn mang lại hiệu quả thực sự, khi học viên biết áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Nhu cầu học nghề của người lao động ở nông thôn là rất lớn. Ngoài học nghề sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn, bà con DTTS huyện Krông Nô mong muốn được học thêm nhiều kiến thức nghề trồng trọt và chăn nuôi.”.

Đầu năm 2024, anh Hoàng Văn May, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật được mở tại địa phương. Học thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật từ lớp đào tạo, anh May áp dụng kiến thức đã học vào cải tạo vườn cà phê của gia đình. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chăm sóc cây trồng đúng cách, năng suất cà phê niên vụ 2024-2025 của gia đình anh May cải thiện hơn. Cùng từ kiến thức đã học, anh May khoanh vùng kết hợp trồng trọt với phát triển chăn nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, anh May cho biết: “Từ trước tới nay, người dân xã Nam Đà làm nương rẫy theo cách truyền thống bằng kinh nghiệm và người dân chia sẻ cho nhau. Sau khi tham gia lớp học nghề, bản thân tôi có thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật mới. Áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, vườn cà phê của gia đình phát triển tốt, mang lại hiệu quả cả về sản lượng và chất lượng sản phẩm”.

Từ nguồn kinh phí được giao để phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Krông Nô đã thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giúp nhiều người nghèo là đồng bào DTTS tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô, năm 2024 huyện đã giao đơn vị phối hợp với các phòng, ban và địa phương rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề và thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả là đơn vị đã mở 10 lớp đào tạo nghề cho hơn 320 học viên, đạt 105% kế hoạch tỉnh Đắk Nông giao. Hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu đào tạo tập trung, theo nhóm nghề mà người lao động lựa chọn với 2 hệ đào tạo bao gồm sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Nhiều lao động sau khi học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập từ nghề đã được đào tạo.

Lao động người DTTS huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông tích cực tham gia lớp đào tạo nghề.

Đồng chí Ngân Thanh Hải, Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Krông Nô cho biết: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua đã đạt kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng, trình độ người lao động. Với những ngành học phù hợp với nhu cầu thực tế và đòi hỏi của thị trường lao động, nhiều lớp đào tạo nghề thu hút đông đảo học viên tham gia.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, gắn với tạo việc làm tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đào tạo nghề, đa dạng hóa sinh kế, tăng cường các hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời, vận động lao động nông thôn tích cực học nghề, cải thiện thu nhập và phát triển các sản phẩm thế mạnh.

Cuối năm 2024, đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Krông Nô. Tại đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị UBND huyện Krông Nô và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị, địa phương chủ động liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để bảo đảm học viên có việc làm sau đào tạo.   

 Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH