Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 2526/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 28-2-2017 của UBND Thành phố về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội.
 |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi tiếp công dân.
|
Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 1466/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội: Bổ sung chức năng theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đối với những đơn, vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban Tiếp công dân Thành phố chuyển đến; việc thực hiện các văn bản, chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo có hiệu lực pháp luật.
Ban Tiếp công dân Thành phố cũng được bổ sung nhiệm vụ tổng hợp báo cáo về hồ sơ, thẩm tra báo cáo kết quả xác minh (kèm theo dự thảo văn bản giải quyết của Chủ tịch UBND Thành phố) của các cơ quan, đơn vị trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết nội dung tố cáo theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.
Mới đây, tại Thông báo số 191/TB-VP ngày 28-4-2023 của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội về kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tại buổi làm việc với Ban Tiếp công dân Thành phố, UBND Thành phố đã giao Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai đúng trình tự, thủ tục theo quy định, tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đặc thù của Thành phố đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chuyên trách trên địa bàn Thành phố tại kỳ họp giữa năm 2023.
LINH SƠN
Trong công tác quản lý nhà nước nói chung, việc tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu các cấp là hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh trách nhiệm của bí thư cấp ủy các cấp phải "trực tiếp thực hiện việc tiếp dân, kịp thời đối thoại với dân khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo thẩm quyền" nhằm khắc phục những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
QĐND - Đảng, Nhà nước ta luôn xác định, thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân tại tất cả cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở có vai trò rất quan trọng.