Nếu công tác tiếp dân tốt từ cơ sở sẽ là chìa khóa giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo (KNTC), đặc biệt hạn chế được tình trạng đơn thư vượt cấp, đơn thư chuyển lòng vòng qua nhiều nơi. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, cán bộ tiếp dân ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Đây đang là “nút thắt” khiến tình trạng KNTC chưa giảm như mong muốn.

Trong vai một người dân, mới đây chúng tôi đến Phòng tiếp công dân của UBND huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) để nêu kiến nghị cần được giải quyết. Người tiếp công dân là bà Nguyễn Thị Chiêu. Ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị, bà Chiêu hướng dẫn chúng tôi đến UBND của một xã thuộc huyện Thanh Trì. Đó là một hướng dẫn đúng bởi với kiến nghị của chúng tôi, UBND cấp xã là nơi có chức năng giải quyết vấn đề đó. Tìm hiểu chúng tôi được biết, bà Chiêu là một cán bộ đã được học chuyên ngành luật nên nắm chắc trình tự, quy định xử lý đơn thư. Ông Chử Mạnh Thăng, Phó chánh văn phòng UBND huyện kiêm Trưởng ban tiếp dân huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) cho rằng: “Tiếp công dân ở cơ sở có vai trò rất quan trọng. Ví dụ ở huyện Thanh Trì, vấn đề nổi cộm mà công dân khiếu nại, kiến nghị nhiều nhất là đất đai, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bởi thế, cán bộ tiếp công dân cần có kiến thức, hiểu biết về pháp luật để xử lý đơn thư tốt nhất’’.

Trên thực tế, những trường hợp cán bộ tiếp công dân có kiến thức luật pháp, hiểu biết các lĩnh vực là rất cần thiết. Với vốn kiến thức toàn diện ấy, họ mới đủ khả năng đảm nhận công việc này. Bởi cũng trên thực tế, rất nhiều cán bộ tiếp dân ở cơ sở không đủ kiến thức hoặc thiếu trách nhiệm đã hướng dẫn, xử lý đơn thư của người dân không đúng, khiến đơn thư bị chuyển lòng vòng, gây bức xúc. Ông Bùi Minh Sáng, Trưởng phòng Thanh tra, giải quyết KNTC 4, Thanh tra tỉnh Nam Định cho rằng: “Ở cấp cơ sở hiện nay, khó nhất là tìm để bố trí được người tiếp công dân tốt. Hiện có tình trạng ở cấp cơ sở (xã, phường) giao cho bộ phận một cửa làm luôn nhiệm vụ tiếp dân, hoặc người tiếp công dân không phải là cán bộ chuyên trách mà chỉ là kiêm nhiệm. Chính vì trình độ cán bộ tiếp công dân không phù hợp dẫn tới việc phân loại đơn thư để chuyển đến cơ quan chức năng không đúng nên khó cho khâu giải quyết, trong khi đơn thư bị chuyển đi chuyển lại, vừa mất thời gian, vừa gây bức xúc cho người dân”.

Một khía cạnh khác cho thấy, hiệu quả tiếp công dân chưa tốt còn do cán bộ tiếp dân hạn chế về năng lực, thiếu kinh nghiệm và không có phương pháp đối thoại. Nhiều cán bộ tiếp công dân nhưng không được đào tạo bài bản, kiến thức hạn chế, thái độ tiếp công dân chưa đúng mực, thậm chí hách dịch dẫn tới việc hướng dẫn, giải thích, xử lý đơn thư không tốt. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Bình, Chánh thanh tra TP Hải Phòng cho biết: “Cần nhận thức rằng, người tiếp công dân có vai trò rất quan trọng. Họ chính là người “làm dịu” những căng thẳng, bức xúc mà người dân dồn nén khi đến cơ quan công quyền để KNTC hay kiến nghị một vấn đề nào đó. Nếu xử lý không khéo, không có kinh nghiệm, phương pháp không tốt thì chính cán bộ tiếp dân lại càng “thổi bùng” bức xúc của người dân lên cao”. Cũng theo ông Nguyễn Hải Bình, người tiếp công dân không chỉ đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kiến thức mà phải có nghệ thuật thu phục con người. “Chúng tôi cho rằng, người tiếp công dân phải là cán bộ chuyên trách, được đào tạo từ các ngành như luật, quản lý hành chính hoặc quản lý đất đai”, ông Bình nhấn mạnh.

Ở cấp cơ sở, không ít trường hợp cán bộ tiếp dân trình độ hạn chế nên phân loại đơn thư khi tiếp nhận không đúng. Thông thường, không phải người dân nào cũng có kiến thức, đủ khả năng để viết một lá đơn đúng thể thức văn bản quy phạm pháp luật là KNTC, kiến nghị hay chỉ là ý kiến phản ảnh... Trong khi cách thức giải quyết của từng thể loại đơn thư này lại khác nhau, thời gian, trình tự cũng khác nhau. Nếu người tiếp công dân có kiến thức, họ chỉ cần hướng dẫn hoặc chỉnh lại thể thức văn bản giúp người dân cho đúng với nội dung, tiếp nhận đơn thư hoặc hướng dẫn người dân chuyển đơn đến đúng cơ quan chức năng có trách nhiệm thụ lý, trả lời thì việc xử lý đơn thư tiếp theo ở những khâu sau thuận tiện hơn rất nhiều.

Theo ông Lê Văn Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ninh: Để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ làm công tác tiếp dân ở cơ sở đi liền với các giải pháp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ này, thì cần có chế độ đãi ngộ phù hợp. Trong quá trình làm việc với chúng tôi, ông Ánh đã dẫn ra cách làm rất phù hợp của Quảng Ninh. Ngoài thực hiện các nghiệp vụ, như tập huấn, bồi dưỡng, ban hành các quy định chặt chẽ về công tác tiếp dân, tỉnh Quảng Ninh còn áp dụng mức cao nhất theo các thông tư hướng dẫn về thực hiện chế độ, tiêu chuẩn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân. Cùng với đó, tỉnh cũng có những hỗ trợ thêm cho lực lượng làm nhiệm vụ này.

Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 24-8-2018 với sự tham gia của đại diện thanh tra, ban tiếp công dân của 32 tỉnh, thành phố, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng: "Các địa phương cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân một cách thường xuyên. Địa phương có thể đề xuất Thanh tra Chính phủ hỗ trợ việc mở lớp, cung cấp giảng viên giảng dạy...".

Tiếp dân là công việc khó, đòi hỏi nhiều tố chất nên không phải ai cũng làm được. Không chỉ vậy, đây được xem là công việc rất dễ gây ức chế. Không ít cán bộ tiếp dân từng bị chửi bới, đe dọa, thậm chí bị tấn công gây thương tích do người KNTC không kìm nén được bức xúc. Bởi thế, công việc này phải được đánh giá, nhìn nhận đúng về tính chất. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác tiếp dân cần có giải pháp mang tính tổng thể trên phạm vi cả nước.

NGUYỄN TUẤN