Chiều 10-11, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức khai mạc sự kiện "Sáp ong - Sắc chàm" với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ dân tộc Mông và dân tộc Dao thu hút đông đảo công chúng tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ.
Sự kiện “Sáp ong – Sắc chàm” kể câu chuyện về bảo tồn và phát huy kỹ thuật vẽ hoa văn sáp ong truyền thống, một tập tục tốt đẹp của phụ nữ dân tộc Mông và dân tộc Dao (nhóm Dao tiền) tại hai tỉnh Hòa Bình và Cao Bằng.
Tại đây, công chúng không chỉ được nghe những câu chuyện văn hóa mà còn được nghe những câu chuyện về bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống được lưu truyền qua bao thế hệ, thể hiện sự khéo léo của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng như vị trí, đóng góp của người phụ nữ trong cộng đồng.
 |
Trải nghiệm mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao. |
 |
Toàn cảnh triển lãm. |
Đến với sự kiện, công chúng được giao lưu và trải nghiệm vẽ sáp ong cùng nghệ nhân dân tộc Mông và dân tộc Dao (nhóm Dao tiền), lắng nghe những băn khoăn, trăn trở trong việc tìm hướng đi cho sản phẩm, cách phát triển kinh tế từ chính những bản sắc văn hóa riêng của phụ nữ dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công chúng được tìm hiểu về vẻ đẹp của kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống thông qua triển lãm ảnh “Sáp ong – Sắc chàm”, mặc thử trang phục truyền thống và lưu lại những giây phút trải nghiệm thú vị trong không gian mang đậm nét văn hóa vùng cao.
Sự kiện là một trong những hoạt động truyền thông trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện, với thông điệp lan tỏa giá trị văn hóa, tập tục tốt đẹp của phụ nữ dân tộc thiểu số hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng dân tộc.
Sự kiện “Sáp ong – Sắc chàm” diễn ra đến hết ngày 11-11.
Tin, ảnh: DIỆU HUYỀN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.
QĐND - Xóm Sưng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) ở lưng chừng núi Biều. Những nếp nhà lợp cọ rộng dài và ấm áp của đồng bào người Dao Tiền cứ nương theo núi, hòa trong mây.