Từ nhà nọ sang nhà kia là băng qua dốc. Thường thì cứ hết dốc, ở khoảnh đất bằng được tận dụng làm sân phơi sẽ gặp những cụ bà mắt ngời ngời miệng cười móm mém hoặc những cô gái Dao Tiền ít nói, thả nụ cười sau nhịp bước rung reng bởi những đồng bạc trên khăn, trên áo va khẽ vào nhau.

leftcenterrightdel
 Minh họa: Lê Anh

Xóm Sưng ở Đà Bắc là nơi sinh sống của hơn 70 gia đình người dân tộc Dao Tiền. Đón chúng tôi là ông Đặng Văn Xuân, người trong xóm gọi nhau bằng tên dân tộc, ông là Yao-Ki, vợ ông là bà Ki. Màu chàm thẫm xanh điểm xuyết giữa những nong sắn, vạt ngô phơi khô ở sân nhà. Nhà nào trong xóm cũng giữ được nghề thủ công nhuộm vải chàm. Bà con tự hào khẳng định, so với xưa, giờ còn làm nhiều hơn, đẹp hơn. Con gái xóm Sưng học nhuộm vải, thêu thùa rất sớm. Lâu dần, nếu chỉ ở bản đi nương, nhuộm vải, lấy chồng, màu chàm sẽ in mãi trên tay, như bàn tay các cụ bà vừa ấm áp chạm vào tay khách lạ. Thổ cẩm Dao Tiền độc đáo ở cách thức in sáp ong. Tổ ong sau khi tách mật được cho vào nước đun sôi, gạn lọc lấy phần trong, cầu kỳ cô đặc rồi để nguội, thành phẩm là khối sáp mượt mà, vàng óng tựa mỡ gà. Phải người tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn mới in được hoa văn sáp ong. Chỉ lấy một phần rất nhỏ, luôn chân luôn tay, vừa làm nóng, giữ nóng sáp vừa in hoa văn. Công cụ in khá thô sơ. Một thanh cật cây trúc vót mỏng, uốn thành khung nhỏ, thêm cái ống nứa tròn tròn đựng sáp, thập tô bằng đồng có vai trò như cây bút chấm sáp để in. Nhất thiết không thiếu được lá chít khô làm thước kẻ để tạo hình thoi, hình vuông trên thổ cẩm. Chỉ có loại lá này mới ngăn nổi sáp ong không thấm ra vải. In xong hoa văn, sẽ lại tỉ mỉ phủ lượt sáp mỏng mảnh, đều đặn nữa lên toàn bộ vùng có hoa văn để các họa tiết ấy giữ nguyên vẹn trong quá trình đem vải đi nhuộm chàm. Loài cây thân cỏ, hoa màu tím nhạt, mọc rải rác trong rừng được gọi là cây chàm. Tìm được, phải chặt tận gốc mang về ngâm nước, ủ kín vài ba ngày cho cây nhả hết sắc chàm vào nước. Còn rất nhiều công đoạn nữa, khuấy đều tay, trộn thêm nguyên liệu, chắt lọc, ủ sâu cả tuần cùng nước gio bí truyền giúp vải giữ màu sau khi nhuộm. Nhuộm vào vải rồi, liên tục hong phơi, nhuộm lại cho tới khi đều màu, mảnh vải xốp dịu trượt nhẹ được trên tay thì vừa độ. Sau cùng, vải được nhúng nước sôi để loại bỏ sáp ong, chờ bàn tay khéo léo thêu thùa theo họa tiết. Riêng khâu in sáp, nhuộm vải đã tốn cả tháng trời. Phụ nữ xóm Sưng chăm chỉ việc nương rẫy, vải vóc thêu thùa tranh thủ thời gian mà thêm thắt thôi. Bà Ki kể, những đàn ong còn sum vầy, chưa bỏ tổ, đồng bào ít khai thác, chờ ong rời tổ mới lấy sáp về. Vì lẽ đó, cây đa to sau nhà bà mùa này ong rời đi thì mùa sau thể nào cũng về làm tổ.

Chúng tôi băng qua những con dốc, tới lớp học chữ của người Dao Tiền. Non trưa, lớp đã tan, các học viên đội khăn đúng bản sắc đồng bào, từ tốn hạ khăn xuống, gấp cất cẩn thận mới mang mũ bảo hiểm, đi xe máy ra về. Có người ở bên tỉnh Phú Thọ cũng sang học chữ. Hai thầy giáo dáng điệu chỉn chu xách cặp ra sau cùng, khoe rằng: “Ai đã đi học chữ Dao Tiền, đầu phải đội khăn đẹp đẽ và ngay ngắn”. Thầy Triệu Văn Thanh năm nay gần 80 tuổi, lặng lẽ truyền dạy chữ đã lâu nhưng chính thức đứng lớp dạy ba, bốn chục học viên thì mới được hai năm. Giờ sức yếu hơn rồi, thầy chuyên tâm dạy chữ, không lên nương rẫy như xưa. Trợ giảng cho thầy Thanh là thầy Lý Hồng Si. Trong cặp các thầy giáo có rất nhiều cuốn vở chép tay bằng giấy dó do chính người Dao làm. Những câu ca, điệu hát, tích cổ của người Dao Tiền được chép vào đó, truyền lại cho bao thế hệ học trò. Lớp học ở xóm Sưng gần như miễn phí, các học viên chỉ đóng góp chút phí trà nước, cả năm khoảng 450.000 đồng. Gia đình có con cái học hành đến nơi đến chốn như nhà ông Xuân thuộc dạng hiếm. Con gái đầu nhà ông học cao đẳng y, con trai thứ hai học Học viện Bưu chính Viễn thông, con trai út học lớp 5, cuối tuần nào cũng hăng hái đi học chữ Dao Tiền với thầy Thanh, thầy Si. Người xóm Sưng nhẩm tính, tất thảy mới có 3 cháu học đến đại học.

          Vài năm trở lại đây, nguồn sáng đã lấp lánh hơn trên xóm nhỏ. Các dự án du lịch cộng đồng được triển khai, cùng với gia đình ông Xuân, hai hộ khác là nhà ông Lý Văn Thu, Đặng Văn Nhất đã triển khai dịch vụ lưu trú cho khách du lịch (homestay). Buổi đầu, khi mới được dự án mời đi tập huấn, tham quan mô hình ở địa phương lân cận, các hộ đều lắc đầu ái ngại, kêu khó... Ngoài căn nhà chính rộng rãi, đủ điều kiện cho khách lưu trú thì nhà bếp, nhà ăn, công trình phụ, cách sắp xếp không gian... đều cần dốc sức xây dựng, sửa sang. Có người sợ không có nguồn vốn đầu tư, không thay đổi kịp thời đại, không làm hài lòng khách... cũng đã nhiều lần nghĩ đi nghĩ lại, có khi cứ lên nương rẫy lại tốt hơn. Âu lo, vướng vít là thế, nhưng thẳm sâu lại le lói lạc quan, tin tưởng. Nhà ông Xuân được dự án hỗ trợ 80 triệu đồng, tự túc thêm 150 triệu đồng để sửa sang, sắp xếp. Đón được vài đoàn khách, lại nảy sinh bất cập cần giải quyết, đơn giản như khu lưu trú cần mở rộng hơn để khách không thấy phiền khi bị tách đoàn sang nhà khác ở. Chưa hết nợ đã vay thêm tiền nhưng khát vọng đổi thay, thích ứng cứ âm ỉ, bền bỉ. Ngoài 3 hộ làm homestay, xóm Sưng lập thêm nhiều tổ nhóm dịch vụ khác, như: Ẩm thực, văn nghệ, xe ôm, hướng dẫn viên địa phương... Vừa đón khách, họ vừa giới thiệu văn hóa dân tộc mình qua trang phục, ứng xử, nét đẹp cộng đồng. Có đến 70% du khách là người nước ngoài, bị thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn của núi rừng, các phong tục tập quán đặc sắc và địa hình phù hợp với du lịch trải nghiệm, thám hiểm. Vài năm trước, ở giai đoạn rực rỡ nhất, mỗi tháng có khoảng 20 đoàn du khách lưu trú tại xóm, nguồn thu góp phần cải thiện đáng kể đời sống, quan niệm của bà con. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách gần như mất hẳn. Cả xóm vẫn nhớ, đoàn khách cuối cùng tới đây từ dịp 8-3-2020. Khách thuê dịch vụ xe ôm chở đồ, người thì đi bộ vài chục cây số xuống xã Tiền Phong, thưởng thức phong cảnh miền sơn cước. Hầu hết các phong tục Dao Tiền đều được gìn giữ nguyên vẹn đến hôm nay, trong đó có lễ cấp sắc cho con trai từ 8 đến 12 tuổi. Du khách mê nhất là điệu nhảy múa truyền thống “chèo chèo”, có người hát, đánh trống, thổi sáo. Điệu “chèo chèo” bước ra từ tín ngưỡng, xưa chỉ xuất hiện khi thực hành các nghi lễ truyền thống. Mến khách, người xóm Sưng sẽ mời ấm chè shan tuyết. Cây chè gắn bó với đồng bào cả trăm năm. Mỗi lần hái chè, bà con phải đi bộ hàng giờ đồng hồ vào khoảnh rừng riêng. Những cây chè cổ thụ bám vào đá núi trên độ cao hơn 1.000 mét, thân to hơn vòng tay ôm, phải trèo cây hoặc bắc thang mới hái được. Giữa bốn bề mây ngàn, sương núi, búp chè tươi ròng, mập mạp, được phủ bởi lớp lông trắng như tuyết. Chính tay dân bản sao chè, sấy chè, thành phẩm là những chén nước vàng hanh, đậm đà, ngọt hậu. Bên cạnh chè, người Dao Tiền còn giữ được nhiều công thức bí truyền về dược liệu. Xóm Sưng cũng đã mở dịch vụ tắm, ngâm lá thuốc theo phong cách mộc mạc, thân thiện với môi trường và tập tục.

Trò chuyện trong nhà, vẫn nghe tiếng chim rừng và suối róc rách ngoài kia. Sau bữa cơm đón khách, ông bà Ki lại lên nương rẫy. Đi nương xa, điện thoại sẽ có sóng, ấy cũng là niềm vui giúp kết nối thông tin với du khách từng đến xóm. Khó khăn nhất, xóm Sưng vẫn chưa có sóng điện thoại, sóng 3G... Chẳng những người dân thấy bất tiện mà với nhu cầu cập nhật, check-in liên tục, khách du lịch cũng băn khoăn, ái ngại trước điều này. Khách nước ngoài quen tham gia tour trải nghiệm, thám hiểm thì dễ chấp nhận hơn. Xóm còn có hang Lán rất sâu và bí ẩn, người dân quen gọi là hang Ba Cô sau câu chuyện 3 cô gái từng vào hang mà không trở ra nữa. Mỗi lần dẫn khách thăm hang, bà con đều nghiêm cẩn làm lễ trước khi qua cửa. Một dự án du lịch cộng đồng đã hỗ trợ địa phương làm bậc cho du khách thuận tiện hơn nhưng điện sáng còn chưa được kéo vào. Ánh mắt người ở nơi tụ lại những cung đường mây trắng đầy nhạy cảm, chờ mong và cũng âm thầm một bản lĩnh tự thân tỏa rạng.

Bút ký của LỮ MAI