“Dòng chảy sáng tạo 2025” là triển lãm của Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm tuyển chọn các bài tập xuất sắc từ 5 chuyên ngành: Thời trang sáng tạo, Thiết kế nội thất bền vững, Đồ họa công nghệ số, Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật tạo hình đương đại. Các tác phẩm được trưng bày theo từng chủ đề, thể hiện quá trình học tập và thực hành của sinh viên trong suốt một năm học.

Triển lãm thu hút những người trẻ yêu nghệ thuật, giảng viên, nhà thiết kế, người lớn tuổi và du khách quốc tế. Nhiều người dừng lại chụp ảnh, trò chuyện cùng các sinh viên-tác giả của các tác phẩm-khiến không gian triển lãm như một lớp học mở, nơi bài tập không còn nằm trong khung điểm số.

Mẫu thiết kế kết hợp giữa yếu tố truyền thống và đương đại của sinh viên tại triển lãm.

Một nhóm du khách Pháp đứng trước bộ sưu tập “Ảo mộng” của Tạ Minh Ngọc và không giấu được vẻ ngạc nhiên khi biết rằng bộ sưu tập lấy cảm hứng từ nghệ thuật thêu cung đình-biểu tượng của quyền quý và tinh xảo. Thiết kế pha trộn chất liệu, màu sắc, họa tiết theo tinh thần maximalism (phong cách đề cao sự phong phú và rực rỡ), khắc họa hình ảnh người phụ nữ truyền thống và hiện đại trong một giấc mơ thị giác mê hoặc. Cách đó không xa, nhóm du khách đến từ Huế hào hứng với tác phẩm “Tân thể” của Nguyễn Thái Thiên Anh, lấy cảm hứng từ áo Nhật Bình (lễ phục cao quý của hoàng hậu và cung tần triều Nguyễn) và áo yếm. “Tân thể” kết hợp phom dáng truyền thống với chất liệu da hiện đại, mở ra góc nhìn mới về thời trang di sản, nơi tinh thần Việt vẫn sống động trong hơi thở đương đại.

Sự phong phú trong cảm hứng sáng tác là một trong những điểm nổi bật của triển lãm. Theo chia sẻ từ các giảng viên, các đề tài không áp đặt sẵn, mà sinh viên được khuyến khích tự tìm kiếm chất liệu sáng tạo từ chính cuộc sống và văn hóa xung quanh họ. Từ nguồn cảm hứng đó, các sinh viên đã trình làng những bộ sản phẩm sáng tạo được tuyển chọn trưng bày với tên gọi giàu hình ảnh, như: “Chạm vụn-Dệt mơ”, “Kim Giao”, “Xiết”, “Ghép mảnh-Gieo hồn”, “Vết nứt thời gian” hay “Nếp nón”... Đây cũng là tên các workshop xuyên suốt tuần lễ triển lãm, nơi các nhà sáng tạo trẻ giao lưu với nghệ nhân làng nghề truyền thống như lụa, sơn mài, mây tre đan, khảm trai, làm nón... để khai thác, thử nghiệm và làm mới các giá trị văn hóa dân gian qua lăng kính đương đại.

Một số sản phẩm được hình thành từ mô hình đào tạo liên ngành là điểm nhấn trong chương trình đào tạo tại Khoa Nghệ thuật và Thiết kế. TS, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Phó trưởng khoa Nghệ thuật và Thiết kế cho biết, thay vì học đơn lẻ từng môn, sinh viên được khuyến khích kết hợp chuyên môn để cùng nhau tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Trong một dự án, sinh viên thời trang phụ trách thiết kế trang phục, sinh viên đồ họa làm bộ nhận diện, sinh viên nội thất thực hiện trưng bày, sinh viên nhiếp ảnh chụp hình sản phẩm, còn sinh viên ngành quản lý sự kiện đứng ra tổ chức các workshop tại địa phương. 

Bài và ảnh: PHẠM THỨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.