Bộ sưu tập của bảo tàng được hình thành và liên tục sưu tầm bổ sung qua 3 đời trụ trì, bao gồm nhiều bộ sưu tập phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực châu Á.

Những sưu tập hiện vật được chọn lựa để trưng bày, ngoài giá trị là những tác phẩm nghệ thuật cổ, còn kết tinh những nét tinh hoa của di sản văn hóa Phật giáo. Những câu chuyện mang theo tác phẩm từ huyền thoại, truyền thuyết đặc trưng của tín ngưỡng tôn giáo, thể hiện phong phú qua các chủ đề, đề tài, với tư tưởng khuyến thiện, hướng đến một đời sống tinh thần - tâm linh cao quý, mang đến cho khách tham quan cảm giác an bình, thịnh vượng. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Báo Quân đội nhân dân Điện tử giới thiệu một số hình ảnh tại Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Bảo tàng văn hóa Phật giáo tọa lạc trong không gian ngôi chánh điện của chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). 

Bảo tàng lưu giữ kho cổ vật giá trị của văn hóa Phật giáo, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa Phật giáo của tăng ni, đạo hữu và các nhà nghiên cứu. Đây cũng là điểm đến tâm linh, nơi tham quan ý nghĩa cho du khách trong hành trình khám phá Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Không gian trưng bày của bảo tàng gồm nhiều bộ sưu tập phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực châu Á. 

Bảo tàng lưu giữ nhiều bộ tượng Phật quý hiếm với các chất liệu như gỗ, ngọc, đồng, sắt, đá… Trong đó, nhiều tượng được các chuyên gia giám định đánh giá là ngang tầm bảo vật quốc gia, có giá trị đặc biệt về mặt nghệ thuật cũng như giá trị tạo hình. Nổi bật là tượng bạch ngọc "Quan Thế Âm tống tử" tạc hình Phật Bà đang bế một trẻ nhỏ trên tay.

Nhiều bộ sưu tập phản ánh di sản văn hóa Phật giáo, phong phú đa dạng về phong cách thể hiện và chất liệu, có niên đại tập trung trong vài ba thế kỷ gần đây, nhưng cũng có nhiều hiện vật có niên đại khá sớm.

Tượng Phật Thích ca có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trưng bày tại bảo tàng. 

Tượng Thần Shiva múa có niên đại thế kỷ XX trưng bày tại bảo tàng. 

 Tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn có niên đại thế kỷ XVI - XVII trưng bày tại bảo tàng.
 Bên cạnh đó, Bảo tàng Phật giáo cũng đang lưu giữ nhiều hiện vật là lư đồng thời xa xưa, đồ thờ cúng… có niên đại từ thế kỷ VII, đến cuối thế kỷ XIX, XX.
Du khách tham quan Bảo tàng Phật giáo.  

NGUYỄN VĂN CHUNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc - Tôn giáo xem các tin, bài liên quan.